Phan Huỳnh Điểu - 90 tuổi vẫn không ngừng yêu

Thứ tư - 05/11/2014 17:53
Phan Huỳnh Điểu - 90 tuổi vẫn không ngừng yêu Phan Huỳnh Điểu - 90 tuổi vẫn không ngừng yêu

Nhạc sĩ tất bật chuẩn bị đêm nhạc "Cuộc đời vẫn đẹp sao" mừng thọ 90 tuổi. Ông chia sẻ, cảm xúc về con người, cuộc sống, tình yêu vẫn luôn dào dạt trong mình.

Ngày 5/11, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có mặt tại trụ sở Hội Âm nhạc TP HCM để chia sẻ về đêm nhạc mừng thọ ông diễn ra vào 8/11 tại Nhà hát Truyền hình HTV. Những bộc bạch của nhạc sĩ sinh năm 1924 mang đến tiếng cười rộn rã cho người tham dự.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được ví là "cánh chim đầu đàn" của nền âm nhạc nước nhà thế kỷ 20. Ông cho biết, từ tác phẩm mở đầu sự nghiệp sáng tác là bài Trầu cau (1945) đến nay, ca khúc của ông chủ yếu vẫn là những bản tình ca về đôi lứa, về quê hương đất nước. Và hầu như chưa có bài nào ông viết ra trong tâm trạng buồn nản hay thất vọng. "Tôi chỉ sáng tác nhạc khi trong lòng thấy vui vẻ, lạc quan vì muốn truyền điều đó đến cho người nghe. Trong đầu tôi không bao giờ ngừng vang lên giai điệu, trong tim không bao giờ ngừng yêu. Giờ cao tuổi, mình không có người yêu nữa thì mình yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên...", ông nói.

Phan Huỳnh Điểu - 90 tuổi vẫn không ngừng yêu 1

Trong số các sáng tác của Phan Huỳnh Điểu, bài hát "Bóng cây Kơnia" được viết ra trong khoảng thời gian lâu nhất, từ năm 1959 đến năm 1970.

Nhạc sĩ đùa, ông thuộc dạng "điếc không sợ súng" bởi dám sáng tác nhạc từ lúc chưa được học hành bài bản mà chủ yếu dựa vào cảm xúc trong đời sống, văn học, thi ca. Nhiều bản tình ca của ông ngời lên niềm tin tưởng lạc quan vào tương lai tươi sáng của số phận con người, đất nước như: Những ánh sao đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh), Hát về thành phố quê hương... Trong đó, bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao ra đời từ thập niên 1970 trong một lần ông nằm chữa bệnh khi ở chiến trường về.

"Lúc đó, tôi chỉ còn da bọc xương, nhưng nhờ sự quan tâm chăm sóc của một nữ y tá, tôi ngày càng khỏe ra. Tình cờ đọc bài thơ của Dương Hương Ly tôi có nguồn cảm hứng sáng tác Cuộc đời vẫn đẹp sao. Người đầu tiên hát ca khúc này là nghệ sĩ Quốc Hương. Ông cũng đang nằm viện, có bài hát mới tôi đưa, ông hát vang lên khiến cả viện đều rộn ràng", Phan Huỳnh Điểu kể.

Trong chương trình, những ca khúc đi cùng năm tháng của Phan Huỳnh Điểu  tiếp tục được thể hiện lại qua giọng hát của các nghệ sĩ như: Quang Lý, Ánh Tuyết, Cao Minh, Thanh Thúy, Vân Khánh, Thu Minh, Anh Bằng, Mỹ Lệ..., Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Đội ca Nhà thiếu nhi thành phố, cùng những giọng cao tuổi của "Tiếng hát mãi xanh".

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Dậu (mẹ của nhạc sĩ Ngọc Châu và ca sĩ Khánh Linh) cùng con gái bay từ Hà Nội vào Sài Gòn hát tặng ông một bài hát nhân dịp sinh nhật. Nghệ sĩ Vũ Dậu từng là người thể hiện thành công nhạc phẩm của Phan Huỳnh Điểu. Sau thời gian dài không xuất hiện trên sân khấu, cuộc hội ngộ giữa bà và nhạc sĩ tại đêm nhạc hứa hẹn mang đến những khoảnh khắc nhiều ý nghĩa. Nhạc sĩ cũng dành thời gian kể lại kỷ niệm vui giữa ông và nữ nghệ sĩ tài hoa một thời. Bên cạnh đó, ông chia sẻ với khán giả các kỷ niệm khó quên trong cuộc đời sáng tác và những chuyện tình "bây giờ mới kể".

Phan Huỳnh Điểu - 90 tuổi vẫn không ngừng yêu 2

Ở tuổi 90, Phan Huỳnh Điểu luôn giữ sự hóm hỉnh.

Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924, trong một gia đình tiểu thương ở Đà Nẵng. Những năm 20 của thế kỷ trước, chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện cho con cái học nhạc và hầu hết đều phải tự mày mò. Chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu ngày ấy bước vào giấc mơ âm nhạc chỉ với cây đàn mandolin. Ở tuổi 18, ông đã cho ra đời nhạc phẩm đầu tay là bản truyện ca mang tên Trầu cau. Năm 1945, ông tham gia Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng và tiếp tục viết hàng loạt bài ca như: Mùa đông binh sĩ, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong…

Năm 1946, ông đi vào phong trào toàn quốc kháng chiến. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và mới bắt đầu được học hành về âm nhạc. Từ năm 1957, ông trở thành Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1988, ông được trao Huân chương Độc lập hạng 3. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục cho ra đời những ca khúc, nhất là những bài hát phổ thơ được nhiều thế hệ thuộc lòng như: Quê tôi miền Nam (1954), Tình trong lá thiếp (1955), Những ánh sao đêm (1962), Bóng cây Kơnia (1971), Cuộc đời vẫn đẹp sao (1971), Hành khúc ngày và đêm (1972), Anh ở đầu sông em cuối sông (1978), Thuyền và biển (1981)... Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

* Video: Phan Huỳnh Điểu đọc thơ tự trào

Thất Sơn

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 136
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 132
 
  •   Hôm nay 28,469
  •   Tháng hiện tại 28,469
  •   Tổng lượt truy cập 128,626,647