Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm

Thứ năm - 12/02/2015 11:30
Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm

Dân trí Với rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh, được nghỉ học ăn Tết là niềm hân hoan, vui sướng nhưng để có thể yên lòng về quê cũng không phải dễ dàng, khi có nhiều vấn đề phải lo lắng, băn khoăn.

Những nỗi lo lắng trước khi về Tết

 

Thời gian càng gần ngày trở về, Thảo (trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) càng e ngại cho hành trình xe cộ của mình. Vì ở lại làm thêm, lại biết lịch nghỉ muộn, Thảo không kịp đặt vé tàu nên phải đi xe khách.

 

Tuy nhiên, những ngày áp Tết, xe khách rất đông, phải chen chúc trên các hàng ghế. Thậm chí, có những đoạn đường vì xe tranh thủ bắt khách, Thảo phải đứng y như thời đi xe buýt chuyến 32 lúc cao điểm.

 

“Mới nghĩ đến lúc đi xe, tay xách đồ bon chen ngồi vào ghế, cựa cũng không nổi vì quá đông, mình lại thấy sợ. Nếu như đường gần thì mình đã lựa chọn ngồi xe máy với bạn bè, nhưng xa quá, đi như vậy vừa mệt, vừa thiếu an toàn”, Thảo bày tỏ.

 
Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm 1
Mỗi lần về Tết là đợt SV ngoại tỉnh lại lo lắng với những đồ đạc để lại nhà trọ. (ảnh minh họa: Mai Châm)
 

Còn Liên (trường ĐH Lao động và Xã hội TP. Hồ Chí Minh), mặc dù đã đặt vé trước thời điểm về Ninh Bình đến chục ngày, vẫn không thôi “ám ảnh” vì giá “chặt chém” của các nhà xe dịp Tết.

 

Liên cho biết: “Có nhiều loại xe khách và liên tục có chuyến, nhưng để đỗ đến tận nhà mình thì 2 ngày mới có 1 chuyến. Đi cả năm trời, mình muốn đem nhiều đồ về để làm quà tặng cho mọi người nên ngại nhất đi xe ngoài, phải 2,3 lần chuyển khách. Tiền xe thời gian này có giá tăng hẳn so với ngày thường, và tăng nhẹ dần theo những ngày áp Tết”.

 

Bên cạnh tàu xe, vấn đề bảo quản đồ đạc trong phòng trọ trước khi về Tết cũng là nỗi lo lớn của không ít sinh viên. Ai may mắn ở khu nhà có an ninh tốt thì giữ nguyên trong phòng, không phải dịch chuyển. Nhưng việc sống trong xóm trọ thiếu an toàn, những đồ đạc có giá trị như máy tính bàn, bếp ga, hoặc xe máy khiến Quang (trường ĐH Mỏ địa chất) đã “đau đầu” tìm chỗ gửi mấy ngày này.

 

“Tường rào ở đây thấp nên thường ngày có mọi người sống, sinh hoạt, trộm từng đột nhập. May mắn là phòng mình chưa mất gì, nhưng cũng đủ để lo thon thót mỗi khi ra ngoài. Giờ về Tết đến tận non nửa tháng, cả xóm mình đang nhốn nháo tìm nơi gửi về. Xe máy có giá trị nhất, mình định đi về nhưng trời lạnh, đường xa nên mẹ muốn gửi lại, ngồi xe khách cho an toàn”, Quang nói.
 
Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm 2
An ninh khu trọ khi SV về Tết cũng là vấn đề nhiều bạn lo ngại.

 

Huệ (trường CĐ Kinh tế Kĩ thuật Thương mại) mặc dù đã tìm được nơi gửi đồ nhưng vẫn chưa thôi yên tâm, vì năm ngoái ở nhà ăn Tết, cứ nghĩ đến đồ đạc ngoài Hà Nội, lại thấp thỏm không yên.

 

Huệ chia sẻ: “Mình ít bạn bè, lại không quen biết nhiều nên năm ngoái phải gửi đồ sang nhà trọ bạn thân ở gần đó. Thời gian ở quê, mình lúc nào cũng thấp thỏm trong lòng vì sợ kẻ trộm “cuỗm” hết đồ. Hết Tết, khi bạn bè đang ở lại ăn rằm tháng giêng, mình đã phải vội vàng lên Hà Nội để nhanh lấy lại đồ đạc đã gửi”.

 

Trong khi nhà trọ của Linh (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) thuộc “diện” an toàn, cô bạn lại gặp phải vấn đề khác: sách vở, đồ đạc trong phòng bị chuột, gián “oanh tạc”, hoành hành.

 

Linh chia sẻ: “Năm ngoái, mình khá chủ quan khi để sách vở ở ngoài nên bị gặm tơi tả. Ngay cả chăn màn cất vào túi mỏng, nồi cơm điện cọ rửa sạch sẽ đặt ở gầm giường cũng bị chuột cắn rách, đứt thảm hại.

 

Thậm chí, đến xe máy của chị gái để trong phòng cũng bị lũ chuột cắn đứt hết dây, phải dắt đi sửa. Ngày đầu tiên năm mới, bước vào phòng thấy cảnh tượng “tan hoang”, bị tàn phá đó, bực mình không thể tả”.

 

“Bí quyết” cho ngày cuối năm

 

Được bạn bè giới thiệu, hiện tại Thảo đang hy vọng vào việc đăng ký thành công vé cho chuyến xe tài trợ sinh viên về quê với giá ưu đãi dịp Tết của hội đồng hương.

 

“Mình được biết những chuyến xe như vậy giá vừa ưu đãi, vừa thoải mái vì không bị nhồi nhét khách. Mình hơi tiếc vì không biết sớm, nếu không giờ đã có thể thở phào nhẹ nhõm và tập trung làm việc thật tốt”, Thảo nói.

 
Nỗi lo của sinh viên tỉnh lẻ cuối năm 3
Nếu không xử lí tốt, đồ đạc để lại có thể là "mồi ngon" cho chuột, gián...
 

Để đồ đạc có giá trị lớn của mình được đảm bảo, Quang đã lựa chọn cách thức: liên hệ với nhà dân bản địa ở Hà Nội để gửi đồ. Nhà dân này phải được bạn bè (đã từng ở trọ lâu năm tin tưởng) giới thiệu.

 

Quang cho biết: “Bạn mình không ở chung với nhà chủ, cách vài trăm mét nhưng luôn khen hai bác ấy rất tốt, thường giúp đỡ sinh viên. Khi sang đó chơi, nghe mấy đứa nói chuyện về chuyện gửi đồ, bác ấy đã đề nghị giữ gìn giúp cho trong dịp Tết. Vậy là đã giải quyết được vấn đề lớn, có thể về ăn Tết trong sự yên tâm tuyệt đối”.

 

Theo gợi ý của bạn cùng xóm trọ đã ở lâu năm, Linh đã mua mấy thùng giấy dày đóng sách vở, nồi cơm điện một cách cẩn thận, chỉn chu. Với chăn màn, Linh cũng tìm loại túi bóng dày để cất vào tươm tất. Tưởng như phải chịu thua trước chiếc xe máy, cuối cùng Linh nghĩ ra sáng kiến: bọc nilon vài vòng, bao quanh phần dây.

 

“Mặc dù hơi mất công và chịu tốn kém một khoản nhưng thay vào đó, mình không phải mua, thay mới như năm trước. Hơn nữa, trong lòng mình cũng trở nên nhẹ nhõm, thoải mái ăn Tết”, Linh nói.

 

Như vậy, chỉ cần một chút cẩn thận và chuẩn bị sẵn sàng cho những vấn đề gặp phải, các bạn sinh viên tỉnh lẻ đã có thể yên tâm thoải mái lên đường về quê hưởng một cái Tết vui vẻ, trọn vẹn!

 

Hoài Thư

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
 Từ khóa: thon thót
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 112
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 104
 
  •   Hôm nay 14,164
  •   Tháng hiện tại 219,713
  •   Tổng lượt truy cập 128,817,891