‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ

Thứ hai - 05/01/2015 12:35
‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ ‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ

Album cuối cùng trong sự nghiệp của nhóm nhạc lừng danh người Anh đem tới một sản phẩm âm nhạc “của thế kỷ 21 nhưng vẫn là Pink Floyd”.

Nếu phải chọn ra 10 sự kiện âm nhạc nổi bật nhất năm 2014, chắc chắn việc Pink Floyd ra album studio thứ 15 và cuối cùng trong sự nghiệp phải góp mặt trong đó. Đúng 20 năm sau thành công vang dội của The Division Bell, Pink Floyd đã mang đến món quà bất ngờ nhất dành cho người hâm mộ và cả công chúng yêu nhạc, yêu Rock.

‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ 1

Hình ảnh chủ đạo trong album "The Endless River" của Pink Floyd.

Khi những thông tin đầu tiên về đĩa nhạc mang tên The Endless River rò rỉ trên mạng xã hội, những người lạc quan đã nghĩ ngay đến một sự tái hợp diệu kỳ của bộ đôi Roger Waters và David Gilmour. Thế nhưng, lúc Pink Floyd chính thức xác nhận việc họ “đang làm trong phòng thu” thì Roger Waters cũng đăng đàn khẳng định mình không hề liên quan đến album đó và còn nhắc nhở mọi người rằng “Tôi không phải thành viên của Pink Floyd” một cách hết sức phũ phàng.

Nhưng công chúng vẫn còn rất nhiều thứ để hy vọng. The Endless River ra đời dựa trên những chất liệu đã được ghi âm vào năm 1993 - 1994. Đó là thời gian mà Pink Floyd đang sản xuất album The Division Bell - một kiệt tác thực sự - mà không có sự tham gia của Roger Waters (đã rời khỏi ban nhạc năm 1985). Theo lời tay keyboard Richard Wright thì “Lúc đó, điều khó khăn nhất với chúng tôi là bỏ đi cái gì, tiếp tục phát triển cái gì. Thật may mắn, mọi thứ không hề mất đi mà vẫn còn nguyên trong đầu tôi, trong đầu David”.

‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ 2

Hai thành viên của Pink Floyd - David Gilmour (trái) và Nick Mason.

Ý tưởng về việc ghi âm một album để tưởng niệm cái chết của Richard Wright được nhen nhóm năm 2012 bởi hai thành viên còn lại: tay guitar David Gilmour và tay trống Nick Mason. Việc sử dụng lại những gì còn lại của 20 năm trước được quyết định khá nhanh bởi có rất nhiều dấu ấn của Richard Wright trong đó, và những thứ “đắp” thêm vào, cộng thêm việc sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất chính là để mang đến một album “của thế kỷ 21 nhưng vẫn là Pink Floyd”.

The Endless River có nhiều nét tương đồng với The Division Bell và một album riêng của David Gilmour: On An Island, thậm chí tương đối gần với phong cách bộ ba Gilmour - Mason - Wright đã thể hiện trong album Pulse (ghi âm buổi diễn tại Earls Court - Anh ngày 20/10/1994). Đây gần như là đĩa hòa tấu trọn vẹn bởi chỉ ca khúc cuối Louder Than Words ( xem video ) là có ca từ hoàn chỉnh cho David Gilmour hát.

Các fan trung thành của Pink Floyd nghe The Endless River hẳn sẽ thấy thân thuộc, bởi đơn giản, đây không phải một tác phẩm mới mà là tiếng vọng từ quá khứ, ấm áp, tình cảm. Cũng có thể cho rằng giờ đây Pink Floyd không còn đủ khả năng khai mở những lãnh địa mới trong âm nhạc nữa, không còn sức tạo ra đột phá cỡ Dark Side Of The Moon hay The Wall nữa, nhưng chắc chắn họ đã đáp ứng được kỳ vọng của những người hâm mộ và như thế cũng đã là quá đủ.

Việc thiếu vắng Roger Waters khiến cho âm nhạc trong The Endless River (giống như A Momentary Lapse Of ReasonThe Division Bell) thiếu đi một chút sắc sảo, một chút gai góc, một chút bùng nổ. Màu sắc Progressive vẫn còn nguyên vẹn nhưng hơi ngả sang chất New-Age, nghe có phần thư giãn, nhẹ nhàng, rất phù hợp với hình bìa - cũng là một sự bất ngờ Pink Floyd dành cho công chúng.

‘The Endless River’ - Pink Floyd và tiếng vọng từ quá khứ 3

"The Endless River" được cho là album phòng thu cuối cùng của Pink Floyd.

Ngay từ bản nhạc mở đầu Things Left Unsaid, người nghe đã như chìm vào tầng tầng lớp lớp hợp âm của đàn điện tử, và tiếng guitar của David Gilmour như gã chèo thuyền Gondola lướt đi trên dòng suối âm thanh bất tận do Richard Wright tạo ra. Nếu It’s What We Do gợi nhớ đến một Wish You Were Here kinh điển năm nào thì loạt bản nhạc sau đó đưa người nghe vào đại dương mênh mông của những âm thanh đầy biến ảo để rồi thăng hoa với Autumn ‘68 qua tiếng organ ma mị của Richard Wright và Talkin’ Hawkin theo nhịp Valse thật đẹp cùng ngón guitar của David Gilmour. Và nó đã kết thúc như mở đầu, khép lại vòng tròn hoàn hảo bằng những hợp âm ngân nga rồi từ từ chìm vào tĩnh lặng…

Có thể nói The Endless River không phải album nghe để nhớ mà chính xác là nghe để rung động theo nhiều cách khác nhau. Một lời chào từ biệt với nhiều luyến lưu từ ban nhạc xuất sắc ở thể loại âm nhạc gần như do họ sáng tạo ra: Progressive Rock.

Gần như chắc chắn sẽ không còn một album phòng thu “đóng mác” Pink Floyd nào nữa cho nên The Endless River vẫn là đĩa nhạc buộc phải sở hữu, phải thưởng thức với không chỉ những người hâm mộ trung thành nhất của ban nhạc này. Nó đã trở thành đĩa nhạc được đặt trước nhiều nhất trên Amazon UK, bản LP (đĩa than) tiêu thụ nhanh nhất thị trường Anh quốc trong năm 2014 và kể từ năm1997 đến nay, đứng ở vị trí số một bảng xếp hạng album bán chạy ở nhiều quốc gia ngay sau khi ra mắt…

Thưởng thức album "The Endless River" của Pink Floyd

Hoàng Cương

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 67
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 65
 
  •   Hôm nay 14,341
  •   Tháng hiện tại 908,019
  •   Tổng lượt truy cập 128,526,258