Tin giải trí khoa học

https://eneoia.com:443


Trung Quốc nỗ lực để không bị “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên

Trung Quốc nỗ lực để không bị “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên
Dân trí Khi Triều Tiên lần lượt tổ chức hội nghị thượng đỉnh với những nước từng bị Bình Nhưỡng coi là “thù địch” như Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc cũng đang vội vã để không bị mất ảnh hưởng trong tiến trình này.

Trung Quốc nỗ lực để không bị “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên 1
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) nâng ly cùng người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay 3/5 đã quay trở về Bắc Kinh sau 2 ngày công tác tại Bình Nhưỡng - nơi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để củng cố vị trí của Trung Quốc với vai trò là người bạn tốt nhất của Triều Tiên. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc tới Triều Tiên kể từ năm 2007 đến nay và ông Vương Nghị cũng là một trong những quan chức cấp cao nhất của chính quyền Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng.

Trong mối quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc nắm trong tay đòn bẩy kinh tế quan trọng. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh lo ngại rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể ngả về phía Washington để giảm bớt sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng, đồng thời là đối tác hậu thuẫn lâu năm của Triều Tiên.

Nhiệm vụ của Ngoại trưởng

Ngoại trưởng Trung Quốc tới Triều Tiên lần đầu sau 10 năm

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng một trong những nhiệm vụ của Ngoại trưởng Vương Nghị là tìm cách ngăn không cho ông Kim Jong-un đổi chiều về phía Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

“Bắc Kinh có lẽ muốn đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ không phát triển một mối quan hệ gần gũi hơn với Washington, thay vì với Trung Quốc. Chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc, lần đầu tiên sau 11 năm, dường như là một phần trong nỗ lực đó”, Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Chính sách Tooàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhận định.

Theo ông Tong, Trung Quốc nghi ngờ rằng Mỹ có thể sẽ đồng ý bỏ qua một bên những bất đồng về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên, và chấp thuận năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu điều đó phục vụ cho mục đích kiềm chế Bắc Kinh của Washington.

Xia Yafeng, sử gia Trung Quốc tại Đại học Long Island, cho rằng Ngoại trưởng Vương Nghị có thể đã chuyển tới Triều Tiên một thông điệp cẩn trọng, nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng Bắc Kinh vẫn là bạn bè thực sự dù hai nước từng trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng trong 6 năm kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

“Ông Vương Nghị có một sứ mệnh, đó là dàn xếp với Triều Tiên về cách thức đàm phán với ông Trump. Ông ấy (Ngoại trưởng Trung Quốc) có thể khuyên Triều Tiên, song không thể dọa nạt họ. Ông ấy có thể nói: “Hãy cẩn thận khi đàm phán với ông Trump. Chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn””, ông Yafeng cho biết.

Cải thiện quan hệ Trung - Triều

Trung Quốc nỗ lực để không bị “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên 2
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc đã miễn cưỡng nghe theo yêu cầu do Mỹ đưa ra năm ngoái về việc ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, nhằm ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng từ các hợp đồng xuất khẩu than đá, khoáng sản, hải sản và sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Tong, Bắc Kinh không sẵn sàng trừng phạt Triều Tiên về kinh tế.

“Tôi hiểu rằng Trung Quốc đang triển khai những biện pháp bổ sung để cải thiện hơn nữa mối quan hệ với Triều Tiên”, ông Tong nói. Những biện pháp này bao gồm việc kết nối Triều Tiên với mạng lưới đường bộ và đường sắt ở khu vực Đông Bắc Á, đồng thời đưa Triều Tiên vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách nới lỏng các biện pháp kiềm chế về kinh tế đối với Triều Tiên. Các doanh nhân ở khu vực đông bắc Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên cho biết một số người lao động Triều Tiên đã quay trở lại Trung Quốc theo diện visa ngắn hạn.

“Tôi cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu các phương án để tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên trong những lĩnh vực không vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Tong nhận định.

Trung Quốc muốn vào cuộc

Ấn tượng chuyến thăm kín đến phút chót của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cảm thấy bất ngờ và không hài lòng khi bị loại ra khỏi một số vấn đề trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều tại khu phi quân sự liên Triều hôm 27/4. Hai nhà lãnh đạo nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ để thảo luận về việc ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Tuyên bố chung Hàn - Triều đề cập tới các cuộc đàm phán “ba bên hoặc bốn bên”. Nếu tổ chức theo hình thức 3 bên thì chắc chắn đó sẽ là Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không được mời gửi quan sát viên tới giám sát việc phá hủy khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên vào cuối tháng này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố ông sẽ mời các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ tới chứng kiến việc đóng cửa khu thử hạt nhân.

“Khu thử hạt nhân này nằm gần biên giới Trung Quốc. Trung Quốc rất khó chịu vì Trung Quốc mới là cường quốc hạt nhân, chứ không phải Hàn Quốc”, Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho biết.

Theo chuyên gia Tong, “Trung Quốc muốn đảm bảo rằng bất kỳ tiến trình nào nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên và thay thế thỏa thuận đình chiến hiện thời bằng hiệp ước hòa bình đều phải có sự tham gia chủ động của Trung Quốc, đồng thời tính đến những mối quan ngại và lợi ích của Trung Quốc”. Ông Tong tin rằng Trung Quốc cũng muốn các chuyên gia của nước này phải được tham gia vào đội ngũ thanh sát viên quốc tế giám sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh thậm chí muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thay thế cuộc đàm phán 6 bên từng bị đổ vỡ trước đây.

Mối quan hệ khó tách rời

Trung Quốc nỗ lực để không bị “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên 3
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự hội nghị thượng đỉnh hôm 27/4 (Ảnh: Reuters)

Tuy vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn đóng vai trò quan trọng về mặt biểu tượng. Vào thời kỳ hoàng kim của quan hệ Trung - Triều khi ông Kim Nhật Thành, ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nắm quyền, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã tới Trung Quốc nhiều lần. Ngay cả cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, cũng thực hiện 7 chuyến đi tới Trung Quốc trong giai đoạn từ 2000-2011. Những chuyến thăm này bắt đầu dừng lại khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền từ cuối năm 2011.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều - nơi ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ tới Bình Nhưỡng sau cuộc gặp Trump - Kim và một trong những nhiệm vụ của Ngoại trưởng Vương Nghị là xác nhận những thông tin chi tiết liên quan tới chuyến đi của ông Tập.

Theo chuyên gia Paik Hak-soon, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên có thể căng thẳng tại một thời điểm nào đó, nhưng về bản chất nó không thay đổi. Bởi lẽ cả Trung Quốc và Triều Tiên đều cần có nhau.

Thành Đạt

Theo New York Times, SCMP

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí