Tin giải trí khoa học

https://eneoia.com:443


Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về”

Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về”
Dân trí Chiến tranh đã qua đi mà nỗi buồn chia ly của những thân nhân liệt sĩ vẫn còn khắc khoải khi đất nước chúng ta có đến 1,1 triệu chiến sĩ đã hi sinh nhưng trên bia mộ của họ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”.

Chương trình Việc tử tế

Người phụ nữ dành 14 năm thanh xuân tìm đường về cho các liệt sĩ

“Những người trẻ hãy làm tất cả những gì để có thể cống hiến cho đất nước. Mỗi việc làm của chúng ta sẽ đem lại niềm vui cho mọi người. Tôi làm công việc này vì đằng sau tôi có hàng triệu niềm vui, niềm tin yêu của những gia đình liệt sĩ, trong đó có mẹ tôi, cũng là thân nhân của liệt sĩ”. Đây là những dòng chia sẻ trích trong nhật ký của chị Ngô Thị Thúy Hằng, PGĐ Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN).

Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về” 1
Chị Hằng nhớ lại hành trình 14 năm thanh xuân hi sinh cho giấc mơ trở về của liệt sĩ

Năm 2004, ngày đó chị Hằng đang làm Biên tập viên của 1 tạp chí và tình cờ biết đến một diễn đàn đăng tìm thông tin liệt sĩ, vốn là dự án của nhóm 8 bạn sinh viên toán tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội. Chị đã kết nối tới nhóm với hi vọng tìm được thông tin về người bác ruột hi sinh trong kháng chiếng chống Pháp. Cơ duyên ấy cũng đã đưa chị rẽ hướng rời nghề báo và chính thức tham gia cộng đồng này. Chị muốn dành một chút thời gian của mình để cùng thấp thỏm khóc, để cùng cười với nỗi đau và niềm hạnh phúc của những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Nhưng không ngờ, khoảng thời gian một chút ấy lại là cả 14 năm thanh xuân của người phụ nữ này.

Đến nay, từ một trang chuyên cập nhật thông tin về liệt sĩ, diễn đàn đã dần phát triển thành một Trung tâm thông tin về liệt sĩ (MARIN), với nhiều buổi tư vấn cho gia đình liệt sĩ tại văn phòng hoặc tại địa phương. Đồng thời họ tiếp tục cùng nhau thực hiện dự án “Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến”. Bằng việc cập nhật toàn bộ dữ liệu các liệt sĩ lên diễn đàn, mỗi liệt sĩ sẽ được lưu lại những thông tin: họ tên, đơn vị chiến đấu, nơi hi sinh… Đây không chỉ là nơi tôn vinh, ghi nhận những công lao và hi sinh to lớn của các anh hùng, mà đài tưởng niệm sẽ lưu giữ nhiều câu chuyện có thật xảy ra trong chiến tranh qua những lá thư viết từ chiến trường, lời kể của các cựu chiến binh.

Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về” 2
Những tin vui về phần mộ, gia đình liệt sĩ,... dù rất nhỏ nhưng đủ để tiếp thêm động lực cho chị Hằng bước tiếp trên con đường này (NVCC)

Chị Hằng chia sẻ: “Có những thời điểm, tôi rơi vào trạng thái sốc tâm lý, vì vừa phải đi làm kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và duy trì hoạt động trung tâm, vừa phải xử lý dữ liệu khổng lồ. Ngủ 3 tiếng mỗi ngày, thậm chí những cơn chảy máu dạ dày nhiều lần hành hạ, nhưng nếu không tiếp tục công việc này thì thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không biết được 1,1 triệu liệt sĩ đã mất trong chiến tranh, họ là ai?”.

Những giọt nước mắt đằng sau những hành trình kỳ diệu

14 năm trăn trở, cùng sống với những giây phút vui buồn của những thân nhân liệt sĩ khi tìm lại được thông tin và hài cốt của người thân. Mỗi trang nhật ký của chị là những ghi chép rất chi tiết về những liệt sĩ chị tìm được. Những cuốn nhật ký dày thêm hằng năm là những người bạn đồng hành thân thiết của chị trên mỗi hành trình. Hiện nay chị Hằng và MARIN đang nắm giữ hơn 900.000 danh sách quân nhân hi sinh hoặc mất tích trong chiến tranh, trong đó, có rất nhiều liệt sĩ đã được trở về với gia đình, với đất mẹ quê hương.

Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về” 3
Chị Hằng và "ngân hàng" thông tin liệt sĩ vô cùng quý giá của chị

Đến với Việc tử tế - Số tháng 7 là lần đầu tiên chị Hằng được gặp trực tiếp các thân nhân liệt sĩ. Nếu như những lần trước, chị chỉ gọi điện, hoặc trao đổi thông tin cho cán bộ chính sách tại địa phương đến làm việc với gia đình thì lần này chị đứng trên sân khấu, làm công việc thường nhật của mình với những phút giây nghẹn ngào. Giọt nước mắt rưng rưng, tiếng nấc nghẹn của chị Lý Dị Lan – cháu ruột của liệt sĩ Lý Bá Hợp không thể hiện nỗi buồn, mà trái ngược lại, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. 27/7 năm nay, gia đình chị Lan sẽ được đón người thân trở về sau bao năm ròng xa cách, một điều mà trước đây họ vẫn nghĩ chỉ có trong giấc mơ. Chính chị Hằng và Marin đã biến giấc mơ đó thành sự thật - giấc mơ tìm đường về cho hàng nghìn người con Việt Nam quả cảm.

Marin và những giọt nước mắt khi liệt sĩ được “trở về” 4
Giọt nước mắt đầy xúc động của chị Lý Dị Lan - thân nhân của liệt sĩ Lý Bá Hợp khi nhận được thông tin từ chị Hằng

14 năm là 5000 ngày, không một lần bỏ cuộc. 14 năm thanh xuân tươi đẹp, bỏ quên hạnh phúc của riêng mình nhưng chị Hằng luôn cảm thấy mình đã có 14 năm thật ý nghĩa. Bởi với chị: “Ai cũng có một thời tuổi trẻ. Các liệt sĩ đã có một thời tuổi trẻ khác chúng ta. Họ đi vì lý tưởng của cách mạng. Còn với tôi, thanh xuân là phải cống hiến và mạo hiểm. Dám nghĩ và dám làm”.

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí