Vụ tấn công tại Ả rập Xê út: Phép thử cho “lá chắn” vùng Vịnh của Mỹ

Thứ bảy - 21/09/2019 10:26
Vụ tấn công tại Ả rập Xê út: Phép thử cho “lá chắn” vùng Vịnh của Mỹ Vụ tấn công tại Ả rập Xê út: Phép thử cho “lá chắn” vùng Vịnh của Mỹ

Dân trí Một số nước Ả rập tại vùng Vịnh đã hoài nghi về cam kết của Mỹ với khu vực sau khi xảy ra hàng loạt cuộc tấn công có liên quan tới Iran trong thời gian gần đây.

Vụ tấn công tại Ả rập Xê út: Phép thử cho “lá chắn” vùng Vịnh của Mỹ 1

Khu vực khoanh đỏ là những điểm bị ảnh hưởng bởi vụ không kích nhằm vào nhà máy dầu Ả rập Xê út (Ảnh: Digital Globe/ Fox News)

Từ nhiều thập niên qua, các đế chế dầu mỏ tại vịnh Ba Tư đã trông cậy vào lời hứa về sự bảo vệ của quân đội Mỹ. Cam kết này được ghi nhận từ cuộc xung đột tại Kuwait vào năm 1990 và được củng cố bởi các căn cứ quân sự của Mỹ mọc lên trên khắp khu vực.

Tuy nhiên, cam kết về lá chắn bảo vệ của Mỹ đang phải đối mặt với phép thử lớn nhất kể từ sau chiến tranh vùng Vịnh lần đầu tiên: đó là cuộc tấn công bằng ít nhất 17 tên lửa và máy bay không người lái nhằm phá hủy các cơ sở dầu mỏ trọng yếu nhất của Ả rập Xê út hôm 14/9, khiến nguồn cung dầu mỏ thế giới sụt giảm tới 5%.

Mỹ và Ả rập Xê út đã đổ lỗi cho Iran về cuộc không kích, mặc dù Tehran đã lên tiếng phủ nhận. Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên nòng”, sẵn sàng đáp trả cuộc tấn công này.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump dọa Iran. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đưa ra tuyên bố cứng rắn, ông chủ Nhà Trắng vẫn chần chừ trong việc triển khai hành động quân sự với Iran - kịch bản có thể dẫn tới một cuộc xung đột mở rộng. Dù vậy, phản ứng kiềm chế của Mỹ cũng là tín hiệu cho thấy một bước ngoặt khác đối với vùng Vịnh.

“Kể từ sau cuộc xâm chiếm Kuwait, đây là thách thức nghiêm trọng nhất đối với vị thế của Mỹ với tư cách là một cường quốc bảo vệ dòng chảy năng lượng tự do trong khu vực. Trừ khi có một sự thay đổi lớn trong phản ứng từ chính quyền Trump, còn không, tôi nghĩ các lãnh đạo vùng Vịnh sẽ bắt đầu hoài nghi về giá trị của cam kết an ninh (với Mỹ)”, Gregory Gause, học giả về vùng Vịnh tại Đại học Texas A&M, nhận định.

Cuộc tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ tại Ả rập Xê út và những gì diễn ra sau đó đã cho thấy sự cân bằng quyền lực tại vùng Vịnh.

Cuộc không kích vào cuối tuần qua đã cho thấy, hàng tỷ USD được chi cho quân đội Ả rập Xê út vẫn không thể bảo vệ được ngành công nghiệp dầu mỏ quan trọng của nước này. Nó cũng chứng minh cho thế giới thấy rằng năng lực ngày càng vượt trội của các tên lửa hành trình tầm thấp và máy bay không người lái có thể biến các hệ thống phòng thủ trở nên lỗi thời.

Nếu Iran công khai tấn công trực diện vào hai nhà máy dầu như cáo buộc của Mỹ và Ả rập Xê út, thì đó sẽ là bước đi liều lĩnh của Tehran, vượt ra ngoài chiến lược quen thuộc của nước này là hành động thông qua các nhóm phiến quân đồng minh để tấn công các đối thủ của Iran trong khu vực.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động mua bán dầu của Iran, Tehran có thể tiếp tục đẩy mạnh các vụ tấn công vì tính toán rằng, Tổng thống Trump vẫn chần chừ trong việc phát động một cuộc chiến mới tại vùng Vịnh. Cuộc không kích nhằm vào hai nhà máy dầu tại Ả rập Xê út chỉ là vụ việc mới nhất trong một chuỗi các vụ tấn công được cho là do Iran hoặc nhóm ủy nhiệm của Iran tiến hành, bao gồm các vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu và bắn rơi máy bay Mỹ. Điều đáng lưu ý là Tehran gần như không bị đáp trả, hoặc đáp trả rất ít, sau các vụ tấn công này.

Vụ tấn công tại Ả rập Xê út: Phép thử cho “lá chắn” vùng Vịnh của Mỹ 2

Tàu sân bay Mỹ hoạt động tại vùng biển gần Iran hồi tháng 6 sau các vụ tấn công tàu chở dầu tại vùng Vịnh (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump, người đang tập trung vào chiến dịch tái tranh cử năm 2020, cho đến nay vẫn thể hiện ra rằng, ông chưa sẵn sàng leo thang căng thẳng với Iran như những tuyên bố của ông trên Twitter, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo về việc “xóa sổ” và “chấm dứt Iran”. Ông Trump gần đây đã sa thải cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - cố vấn có lập trường cứng rắn nhất với Iran trong chính quyền Trump.

Thay vì nhấn mạnh các lợi ích truyền thống của Mỹ đối với dòng chảy dầu mỏ tự do trong khu vực, Tổng thống Trump dường như quay trở lại lập trường mà ông từng ủng hộ trước cuộc bầu cử năm 2016, đó là “Ả rập Xê út nên tự chiến đấu cho cuộc chiến của họ”.

Việc Iran có thể tìm cách tấn công hoạt động sản xuất dầu mỏ của Ả rập Xê út là điều không quá bất ngờ. Từ nhiều tháng trước đây, các chuyên gia từng dự đoán rằng chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran có thể khiến Tehran đẩy mạnh tấn công hoạt động sản xuất dầu mỏ của Ả rập Xê út và các nước Ả rập vùng Vịnh.

Lãnh đạo các nước Ả rập từng chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì tìm cách rút lại cam kết của Mỹ đối với khu vực. Họ đổ lỗi cho ông Obama vì đàm phán một thỏa thuận với Iran hồi năm 2015 để hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, đổi lại Tehran sẽ được nới lỏng trừng phạt kinh tế và không bị kiềm tỏa về quân sự cũng như các hoạt động khác.

Hiện tại, một số nhân vật có tiếng nói quan trọng tại các nước vùng Vịnh tiếp tục chỉ trích Tổng thống Trump về việc ông thậm chí còn quay lưng nhiều hơn với các cam kết khu vực.

“Ông Trump, xét về phản ứng của ông ấy với Iran, thậm chí còn tệ hơn Obama”, Abdulkhaleq Abdulla, nhà khoa học chính trị tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, nhận định, đồng thời cho biết Tổng thống Trump khiến các đối tác Ả rập thất vọng vì không đáp trả mạnh mẽ Iran.

Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công bằng thủy lôi khiến 5 tàu chở dầu bị phá hủy tại vịnh Ba Tư vào mùa xuân năm nay. Hồi tháng 6, Iran tuyên bố bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không những không đáp trả các vụ tấn công tàu chờ dầu, mà còn hủy kế hoạch không kích Iran vào phút chót sau vụ bắn rơi máy bay.

“Việc ông ấy không hành động gì đã bật đèn xanh cho Iran. Bây giờ một nước đối tác chiến lược tại vùng Vịnh đã bị Iran tấn công dữ dội. Điều này do ông Trump, chứ không phải chúng tôi, khiêu khích. Và chúng tôi cũng nghe thấy người Mỹ nói rằng, chúng tôi cần bảo vệ chính mình. Đây là sự thất bại và thất vọng hoàn toàn trong chính quyền này”, ông Abdulla nói.

Nhằm bảo vệ các chính sách của chính quyền Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần này cho biết các lệnh trừng phạt đã giới hạn khả năng của Iran trong việc tấn công cả bằng máy bay không người lái và tên lửa.

Một số nhà phân tích cho rằng các nước vùng Vịnh dường như đã thổi phồng nguy cơ Mỹ rút cam kết khỏi khu vực, từ thời Obama cho tới bây giờ. Thực tế cho thấy các tàu chiến Mỹ vẫn đang tuần tra trong khu vực để bảo vệ hoạt động giao thương của các tàu chở dầu. Các vệ tinh và máy bay trinh sát Mỹ vẫn tuần tra trên bầu trời, trong khi các căn cứ quân sự lớn của Mỹ vẫn ngăn chặn nguy cơ xâm lược, cùng với các hoạt động quân sự quy mô lớn khác.

Thành Đạt

Theo New York Times

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 153
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 152
 
  •   Hôm nay 197
  •   Tháng hiện tại 613,098
  •   Tổng lượt truy cập 128,231,337