Vì sao New York trở thành “tâm chấn” dịch Covid-19 tại Mỹ?

Thứ sáu - 27/03/2020 13:40
Vì sao New York trở thành “tâm chấn” dịch Covid-19 tại Mỹ? Vì sao New York trở thành “tâm chấn” dịch Covid-19 tại Mỹ?

Dân trí Trong số hơn 85.500 ca mắc Covid-19 tính đến ngày 26/3 tại Mỹ, khoảng một nửa được ghi nhận ở New York, cao gấp gần 10 lần so với các bang khác.

 
Vì sao New York trở thành “tâm chấn” dịch Covid-19 tại Mỹ? 1

Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 bên ngoài bệnh viện Elmhurst ở Queens, New York. (Ảnh: New York Times)

Mật độ dân cư cao

Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất để giải thích cho mức độ bùng phát dịch khủng khiếp tại New York là bởi đây là thành phố lớn nhất và có mật độ dân cư đông nhất tại Mỹ. Trong khi đó, virus corona có xu hướng lây lan nhanh tại các khu vực đông người.

“Sự chật chội về mặt không gian khiến chúng ta dễ bị tổn thương”, Thống đốc New York Andrew Cuomo phát biểu hôm 25/3.

Mật độ dân cư trung bình tại thành phố New York cao gấp đôi so với mật độ của Chicago và Philadelphia, và gấp 3 lần so với Los Angeles.

Trong suốt một ngày, người New York đổ xô tới tàu điện ngầm, chạm mặt trên vỉa hè, chen chúc trong các quán bar và nhà hàng. Họ sống trong những tòa chung cư đông đúc, chen lấn trên cầu thang hoặc nhồi nhét trong thang máy với những người hàng xóm. Hệ thống giao thông công cộng kết nối toàn bộ 5 khu, do vậy phần lớn người dân New York không sở hữu ô tô.

“Chúng ta đã quen với sự đông đúc. Chúng ta đã quen với việc xếp hàng. Chúng ta cũng quen với việc ở gần nhau”, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nói.

Với hơn 8 triệu người, New York cũng là thành phố lớn nhất tại Mỹ. Do vậy, số lượng ca mắc Covid-19 cao tại New York cũng phản ánh quy mô của thành phố này.

Tiến sĩ Kent Sepkowitz, nhà phân tích y tế của CNN và là giáo sư về y học và dịch bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Weill Cornell ở New York, cho rằng New York vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 ngay cả khi tỷ lệ ca nhiễm trên đầu người tại khu vực này không phải là cao nhất.

Tỷ lệ xét nghiệm cao

Một lý do khác giải thích cho việc New York có số ca nhiễm virus corona đứng đầu tại Mỹ là vì bang này vẫn đang tăng cường việc xét nghiệm Covid-19.

Mỹ đã “chậm chân” hơn các nước khác trong việc xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm. Nhiều người tại Mỹ từng nói với CNN rằng họ không được xét nghiệm virus corona.

Trong khi đó, New York đã nhanh chóng thúc đẩy việc xét nghiệm tại các bệnh viện, phòng thí nghiệm và các trung tâm xét nghiệm tài xế, vốn được dựng lên tại hầu hết các khu vực đông dân. Được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, New York đã ủy quyền cho 28 phòng thí nghiệm công và tư nhân để bắt đầu xét nghiệm Covid-19 từ ngày 13/3. New York là bang đầu tiên của Mỹ triển khai thực hiện kế hoạch này.

New York Times dẫn nhận định của Jon Zelner, nhà dịch bệnh học tại Đại học Michigan, cho biết New York đã xét nghiệm “mạnh tay” hơn nhiều khu vực khác tại Mỹ và số ca nhiễm cao tại bang này là kết quả của việc xét nghiệm trên quy mô lớn.

Thống đốc Cuomo cho biết hơn 100.000 người đã được xét nghiệm virus corona tại New York. Ông Cuomo ngày 26/3 thống kê rằng, khoảng 25% xét nghiệm trên toàn nước Mỹ được thực hiện tại New York.

“Chúng tôi đang săn lùng những người dương tính (với Covid-19). Chúng tôi săn lùng để có thể cách ly họ và giảm thiểu sự lây nhiễm”, Thống đốc Cuomo nói.

Theo các chuyên gia y tế, việc xét nghiệm trên quy mô lớn có thể dẫn đến các con số đáng lo ngại, tuy nhiên đây là biện pháp quan trọng để kiềm chế sự lây lan của virus. Xét nghiệm càng nhiều, càng có khả năng cách ly những người mang virus, từ đó ngăn chặn virus lan rộng.

Phản ứng chậm

Vì sao New York trở thành “tâm chấn” dịch Covid-19 tại Mỹ? 2

Các nhân viên dựng nhà xác tạm thời phía sau bệnh viện tại Manhattan, New York. (Ảnh: Reuters)

Cả Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio đều chậm chạp trong việc quyết liệt đóng cửa các trường học, dừng các sự kiện và cấm tập trung đông người trong những ngày đầu bùng phát dịch. Đây là một trong những lý do khiến New York trở thành ổ dịch lớn tại Mỹ.

New York có ca nhiễm đầu tiên lây lan cho cộng đồng vào ngày 2/3 ở New Rochelle, vùng ngoại ô của thành phố New York. Tới ngày 11/3, New York có 216 ca mắc Covid-19 trên toàn bang và con số này tăng vọt lên 613 ca vào ngày 14/3.

Ông Cuomo và de Blasio đã hạn chế việc tụ tập quá 500 người từ ngày 12/3, tuy nhiên hai nhà lãnh đạo vẫn không có biện pháp mạnh tay để tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

“Chúng tôi nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về việc bắt buộc phải giảm bớt đám đông và khán giả, nhưng vẫn phải duy trì những hoạt động nhất định”, Thị trưởng de Blasio nói vào thời điểm dịch mới bùng phát.

Tuy nhiên, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lên chóng mặt, giới chức New York đã thay đổi định hướng chỉ đạo. New York yêu cầu toàn bộ trường học đóng cửa từ ngày 18/3, khi số ca nhiễm đã lên tới 2.300 trường hợp. Thống đốc Cuomo lệnh tất cả người lao động làm những công việc không cấp bách phải ở trong nhà từ ngày 22/3, khi số ca nhiễm ở mức hơn 15.000 người.

Mặc dù cũng bùng phát dịch sớm như New York, nhưng California đã rất quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp để hạn chế hoạt động công cộng. Thống đốc California Gavin Newsom đã đưa ra mệnh lệnh “ở trong nhà”, áp dụng trên toàn bang từ ngày 19/3 khi California ghi nhận 900 ca nhiễm.

Vì Covid-19 lây lan rất nhanh, nên chỉ cần thời gian kiểm soát dịch chậm hơn một vài ngày cũng có thể dẫn tới những kết quả khác biệt.

“Điều quan trọng là cần cách ly và tách biệt sớm vì khi đó virus sẽ gặp khó khăn hơn trong việc lây từ người này sang người kia. Khi virus lây lan chậm hơn, chúng ta sẽ có đủ giường bệnh tại bệnh viện và phòng chăm sóc đặc biệt cũng như máy thở để điều trị cho người bệnh”, Tiến sĩ Arthur Caplan, người đứng đầu Bộ phận Đạo đức Y khoa tại Trường Y thuộc Đại học New York, nhận định.

Điểm đến du lịch

New York cấp tập dựng nhà xác dã chiến

New York là điểm du lịch nổi tiếng toàn thế giới và là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Mỹ. Thống đốc Cuomo nói rằng nhiều người từ các nước có dịch đã tới New York và lây nhiễm virus.

“Chúng tôi có các du khách quốc tế, những người từng đến Trung Quốc, Italia, Hàn Quốc. Và tôi chắc chắn virus đã xuất hiện ở đây sớm hơn nhiều trước khi chúng tôi biết đến nó. Tôi cũng chắc chắn rằng virus đã xuất hiện ở đây sớm hơn bất kỳ bang nào. Vì mọi người thường đến đây đầu tiên”, ông Cuomo cho biết.

Tổng thống Donald Trump đã ban hành một loạt lệnh cấm đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, những biện pháp này đã quá muộn trong việc ngăn chặn virus “tràn vào” New York vì đây là điểm đến phổ biến của khách du lịch.

Theo Aljazeera, đỉnh dịch Covid-19 tại Mỹ sẽ xảy ra trong khoảng từ 2-3 tuần tới. Thống đốc Cuomo trước đây dự đoán New York cần gần 110.000 giường bệnh, nhưng bây giờ con số này đã tăng lên 140.000 giường. Ông Cuomo cũng cân nhắc triển khai các biện pháp mạnh tay hơn để kiểm soát sự lây lan của dịch, bao gồm đóng cửa các tuyến đường chính trong thành phố, các công viên và sân chơi.

Theo Newsweek, mặc dù nhà xác thành phố New York có sức chứa từ 800-900 thi thể hiện vẫn chưa quá tải, song các nhà chức trách New York vẫn cho dựng các lều và xe tải để làm nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan. Nhà xác dã chiến này dự kiến có thể tiếp nhận tới 3.600 thi thể.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 252
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 243
 
  •   Hôm nay 36,600
  •   Tháng hiện tại 1,098,208
  •   Tổng lượt truy cập 127,490,412