Bên trong khu trại tị nạn được ví như "quả bom hẹn giờ" của IS

Chủ nhật - 06/10/2019 14:29
Bên trong khu trại tị nạn được ví như "quả bom hẹn giờ" của IS Bên trong khu trại tị nạn được ví như "quả bom hẹn giờ" của IS

Trại al-Hawl gần biên giới Syria-Iraq không phải là trại tị nạn thông thường. Đó là tàn dư của những gì còn sót lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khu trại tị nạn hiện chứa 72.000 người, hầu hết trong số họ vẫn là những người ủng hộ nhóm khủng bố IS và các nhân viên an ninh người Kurd gọi nó là “quả bom hẹn giờ”.

Bên trong khu trại tị nạn được ví như "quả bom hẹn giờ" của IS 1

Hệ tư tưởng của IS vẫn ăn sâu vào người dân trong trại al-Hawl

Bước chân vào trại al-Hawl, cảnh tượng hiển hiện ra trước mắt là hàng nghìn chiếc lều trải rộng ra chân trời sa mạc, cuốn theo hơi nóng, rác bẩn và bụi bặm. Nhóm phóng viên của hãng tin Bild của Đức được đón chào bằng những tiếng hét giận dữ. Những người lính vũ trang ngăn lại, phụ nữ lăm lăm cầm đá còn trẻ con hét lên: “Tôi không muốn trở thành bác sĩ hay kỹ sư. Tôi muốn đi thánh chiến, làm một kẻ ám sát!”.

Người Kurd canh gác nhưng IS quản lý

Hiện giờ đã 6 tháng kể từ khi thành trì cuối cùng của IS, ngôi làng al-Baghuz, được các chiến binh người Kurd giải phóng. Mặc dù chính thức bị Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd đánh bại hồi tháng 3-2019, nhưng hệ tư tưởng phi nhân tính của IS vẫn tồn tại trong trại này. 

Trong vài năm qua, IS nổi lên với tội ác man rợ như hành quyết thường dân, bắt hàng nghìn cô gái Yazidi làm nô lệ và tấn công một số thành phố châu Âu. Kể từ khi nhóm khủng bố này thất bại, thế giới bị cuốn vào các cuộc xung đột khác. Có lẽ vậy nên hầu như không ai chú ý đến những gì thực sự xảy ra với hàng chục nghìn tín đồ còn lại của IS. 

Trong khi có tới 14.000 tay súng bị nhốt trong các nhà tù, vợ và con cái của họ - trong số đó có 11.500 người nước ngoài từ 54 quốc gia - đã được đưa đến al-Hawl. Những người này hiện do 450 chiến binh người Kurd canh chừng. “Chúng tôi kiểm soát hàng rào, những bức tường bao quanh trại, nhưng bên trong, nhóm Nhà nước Hồi giáo tiếp tục quản lý trại”, một lính người Kurd giải thích.

Gần đây, một video được đăng lên mạng cho thấy mọi người vỗ tay nhiệt tình trước lá cờ IS màu đen được treo ở trung tâm của trại. Tình hình an ninh ở đây hoàn toàn bất ổn khi 2 người bỗng nhiên bị giết bằng dao vào ban đêm, một số phụ nữ và trẻ em đã biến mất không một dấu vết. Trong một số lều, lực lượng an ninh cũng tìm thấy chất nổ và súng. Người Kurd tuyên bố họ thiếu tiền và lực lượng để có thể mở cuộc tấn công, giành quyền kiểm soát khu trại này.

Vào tháng 9-2019, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã phát đi thông điệp từ bản ghi âm kêu gọi những người ủng hộ xông vào các nhà tù và trại giam nơi những kẻ khủng bố bị giam giữ. “Hãy nỗ lực cứu anh chị em của bạn! Phá hủy các cổng và bức tường nơi họ đang bị cầm tù”, thủ lĩnh IS nói.

Mối lo cái nôi để IS hồi sinh

“Khi tham gia IS, bạn được phân loại làm nhiệm vụ đánh bom tự sát hoặc là một chiến binh. Tôi là một chiến binh”, Ali (không phải tên thật), một công dân Đức bỏ trốn để tham gia nhóm vào năm 2014 nhớ lại. Trong một cuộc tấn công, Ali đã mất chân trái.

Người đàn ông ngoại quốc này khẳng định anh ta thực sự chỉ đến Syria để tham gia viện trợ nhân đạo. Sau đó, IS đã cho anh này một ngôi nhà ở Tal Afar, thành phố phía Tây Bắc Iraq. 

Cũng ở trại này, Aisha, đến Syria vào năm 2014 để được ở cùng chồng, một chiến binh IS người Đức, Fared Saal. Saal được báo chí nhắc đến năm 2014 khi một đoạn video cho thấy anh ta đứng giữa thi thể của binh lính cùng thường dân Syria và chế giễu họ. “19 tuổi tôi đã yêu. Chồng tôi không bao giờ nói với tôi về công việc của mình. Anh ấy luôn nói: Đó không phải là việc của em. Anh ấy là cha của các con tôi”. 

Người mẹ trẻ này nói cô cùng các con đã trốn khỏi đội quân IS vào năm 2017 và đầu hàng các chiến binh người Kurd. Đó là lý do tại sao cô đang bị những phụ nữ theo IS khác trong trại hiện nay đe dọa. Mục tiêu duy nhất của cô là ra khỏi trại này: “Một ngày ở đây, trong trại địa ngục này còn tồi tệ hơn một năm tù”. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với Aisha và hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em khác ở al-Hawl? Không ai biết cả.

Người Kurd muốn trục xuất những người ngoại quốc ủng hộ IS nhưng hầu hết các quốc gia đều từ chối tiếp nhận công dân của họ trở lại. Trại al-Hawl không nhận được viện trợ hoặc tài trợ. Hội Chữ thập đỏ gần đây mô tả khu trại tị nạn rơi vào tình trạng “tận thế”. Nhiều người lo ngại, cuối cùng, al-Hawl có thể tiếp tục là nơi truyền bá tư tưởng của IS để rồi trở thành hạt nhân của một cuộc chiến mới, khởi đầu cho sự hồi sinh và trả thù của IS.

Theo Yến Chi

An ninh thủ đô

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 393
  •   Máy chủ tìm kiếm 164
  •   Khách viếng thăm 229
 
  •   Hôm nay 65,451
  •   Tháng hiện tại 1,057,034
  •   Tổng lượt truy cập 127,449,238