Cẩn thận với thuốc giảm đau, kháng viêm

Thứ hai - 13/10/2014 01:32
Cẩn thận với thuốc giảm đau, kháng viêm Cẩn thận với thuốc giảm đau, kháng viêm

Các thuốc giảm đau, kháng viêm thông dụng cũng có thể gây họa nếu bị lạm dụng hoặc dùng không đúng người, đúng bệnh

Các cơn đau hay tình trạng viêm nhiễm vốn là những triệu chứng rất khó chịu và đôi khi tác động xấu đến sức khỏe, thường đi kèm với các chấn thương hay nhiều căn bệnh nội khoa. Rất nhiều loại thuốc uống, thuốc bôi… có thể giải quyết những vấn đề này, bao gồm cả nhóm thuốc kê toa và không cần toa. Tuy nhiên, ghi nhận tại các bệnh viện (BV) cho thấy có khá nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm do tự mua thuốc uống hoặc đôi khi do cả bác sĩ (BS) kê toa chưa hợp lý các loại thuốc giảm đau, kháng viêm.

Thuốc nào cũng có 2 mặt

Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, chống dị ứng… thường được dùng trong quá trình điều trị của hầu hết chấn thương nhằm giải quyết tình trạng cơ thể phản ứng quá mức với những vấn đề đang xảy ra.

Cẩn thận với thuốc giảm đau, kháng viêm 1

Bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM khám cho một bệnh nhân

“Ví dụ, một cơn đau quá mức có thể gây xáo trộn hệ thống thần kinh, làm mất kiểm soát. Thậm chí, người ta có thể chết vì đau. Tình trạng viêm về cơ bản cũng đóng vai trò nhất định trong quá trình làm lành vết thương. Song, viêm quá mức lại gây phù nề, cản trở lưu thông máu và khiến viết thương lâu lành hơn… Còn phản ứng dị ứng lại là một phản ứng bình thường của cơ thể chống lại các yếu tố ngoại lai nhưng dị ứng quá mức thì sẽ gây ngứa ngáy hoặc nặng là sốc phản vệ, ngạt thở… Khi cơ thể phản ứng quá mức như vậy, việc dùng thuốc để trị những triệu chứng bất lợi nêu trên sẽ tốt cho quá trình điều trị. Khi đó, các loại thuốc này không chỉ trị triệu chứng thông thường mà còn đóng vai trò song hành với các bước trị liệu khác để tổn thương mau khỏi” - ông Ánh phân tích.

Tuy nhiên, BS Ánh nhấn mạnh rằng thuốc nào cũng có 2 mặt nên việc lạm dụng và dùng sai chỗ sẽ rất nguy hiểm.

“Tôi từng biết trường hợp một cụ bà bị té ngã, sau đó than chóng mặt, đau đầu và được cơ sở y tế địa phương cho thuốc giảm đau về uống. Uống thuốc vào, ban đầu hết nhức đầu nhưng vài ngày sau, cụ lại bị chóng mặt dữ dội kèm theo nôn ói nên người nhà tức tốc đưa lên BV tuyến trên. Khi đó, người nhà mới biết cú ngã lần trước khiến cụ bị chấn thương sọ não nhưng mọi thứ đã quá trễ. Trong tình huống này, thuốc giảm đau dùng không đúng chỗ lại làm che mờ triệu chứng khiến bệnh nhân và thân nhân không nhận biết rõ được tình hình và dẫn đến hậu quả xấu. Tương tự, chúng ta thường thấy các cầu thủ đá bóng khi bị đau thì được xịt một dung dịch gây tê, giảm đau lên vùng chấn thương để thi đấu tiếp. Tuy nhiên, dung dịch ấy chỉ giải quyết triệu chứng tức thời. Nếu không được điều trị, nghỉ ngơi hợp lý thì chấn thương đó sẽ không lành hẳn và nhiều chấn thương “cộng dồn” như vậy sẽ khiến cầu thủ ấy mau gặp những vấn đề về cơ - xương - khớp dù tuổi còn trẻ” - ông Ánh cho biết.

Thận trọng khi dùng cho trẻ em

Theo các BS ở nhiều chuyên khoa, những loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng dị ứng… có thể được dùng với mục đích đa dạng trong điều trị. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân cần được điều trị đến cùng căn bệnh thật sự, chứ không phải hết đau, hết viêm là xong.

“Thời điểm này có khá nhiều căn bệnh thường gặp ở trẻ sẽ khiến các cháu bị sốt. Thuốc hạ sốt (thường là paracetamol dưới nhiều tên thương mại như Panadol, Acemol, Efferalgan…) có tác dụng rất tốt, cha mẹ có thể tự mua về dùng cho con miễn là tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, thuốc nêu trên chỉ trị triệu chứng sốt. Muốn biết trẻ bị bệnh gì, có cần làm gì thêm không thì phải đưa đến BS, nhất là khi trẻ đã sốt cao đến ngày thứ hai vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh nhiễm siêu vi, cần sự can thiệp của nhân viên y tế” - BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), lưu ý.

BS Tiến còn cảnh báo các phụ huynh nên thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ, dù chỉ là nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm… thông thường vì một số thuốc dành cho người lớn không hợp với trẻ em. Ông từng chứng kiến nhiều trẻ phải nhập viện vì dị ứng với viên thuốc giảm đau, kháng viêm 2 trong 1 có chứa paracetamol và ibuprofen, trong đó thành phần ibuprofen không phù hợp với trẻ. Nhiều trẻ cũng gặp rắc rối vì bị cho sử dụng các thuốc kháng viêm dành cho người lớn như Celecoxib, Diclofenac, Indomethacin, Mobic…

Thuốc bôi: ​Coi chừng dị ứng

Theo ThS-BS Nguyễn Trọng Hào, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Da liễu, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm bôi ngoài da có thể gây dị ứng với người dùng nếu lạm dụng, dùng sai cách hoặc đôi khi chỉ vì không thích hợp, không phải bôi ngoài da thì an toàn hơn thuốc uống như nhiều người nghĩ.

“Nếu có những dị ứng như đỏ, ngứa (biểu hiện nhẹ) hoặc nổi mụn nước, ngứa rất khó chịu (biểu hiện nặng) thì nên ngưng ngay loại thuốc bôi đang dùng và đến BS chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không nên đắp, bôi những thứ không rõ để tự giải quyết tình trạng dị ứng vì có thể làm vấn đề trầm trọng thêm” - BS Hào khuyến cáo.

Nguồn tin: 24h


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 245
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 232
 
  •   Hôm nay 44,662
  •   Tháng hiện tại 1,106,270
  •   Tổng lượt truy cập 127,498,474