Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á

Chủ nhật - 22/07/2018 21:30
Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á

Dân trí Sự đánh tráo cay đắng nhất của cuộc đời, chính là sự đánh tráo lúc sinh ra, bởi nhầm lẫn lớn nhất, chính là nhầm lẫn về thân phận, để rồi đảo lộn cả số phận.

Đó là lời bình của tờ New York Times (Mỹ). Đã có nhiều bộ phim của phương Đông - phương Tây làm về đề tài này. Báo chí của cả phương Đông - phương Tây cũng từng đề cập những câu chuyện về sự nhầm lẫn số phận nghiệt ngã này.

Phim ảnh phương Đông có “Trái tim mùa thu”, “Cha nào con nấy”; phương Tây có “Switched at Birth”, “Separated at Birth”, “Cradle Swapping”, “Midnight's Children”...

Phim điện ảnh Nhật Bản “Like Father, Like Son” (Cha nào con nấy - 2012)

Bộ phim từng được đề cử tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes (Pháp) và giành về giải của ban giám khảo. Phim gây tiếng vang tại nhiều liên hoan điện ảnh quốc tế. Ở đất nước nào cũng vậy, mỗi khi xuất hiện tin bài về việc trao nhầm con từ thuở mới lọt lòng, đó là nhóm tin bài luôn khiến người đọc rơi nước mắt.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 1
Cảnh trong phim “Cha nào, con nấy”

Những bộ phim khai thác câu chuyện này cũng thường khiến người xem rơi nước mắt. “Cha nào, con nấy” xoay quanh hai cậu bé 6 tuổi phải đứng trước quyết định của hai bên cha mẹ, sau khi bệnh viện chủ động liên hệ về việc trước đây, họ đã sơ suất trao nhầm con cho hai gia đình.

Một bên là cặp vợ chồng giàu có - Ryota và Midori; một bên là cặp vợ chồng nghèo khó - Yukari và Yudai.

Qua bàn tay biên kịch và dàn dựng của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, biến cố của hai gia đình đã hiện lên đầy khắc khoải, nhưng cũng rất nhân văn. Điều thú vị là câu chuyện được kể từ góc nhìn của cặp vợ chồng giàu có - một góc nhìn tưởng như sẽ ít nhận được sự cảm thông hơn từ người xem Á Đông.

Đối với đạo diễn Kore-eda, cặp vợ chồng này mới thật đáng thương, bởi người chồng - anh Ryota - “nghiện công việc”, anh đưa lại cho vợ con cuộc sống đầy đủ, nhưng bản thân anh không thể ở bên chia sẻ với vợ con, để rồi khi biến cố xảy ra, anh mới hiểu mình đã bỏ lỡ những gì.

Anh đã bỏ lỡ tuổi thơ của cậu con trai không cùng máu huyết, để khi cậu bé xa mình, cả một khoảng trời xa cách hình thành. Ryota yêu cả hai cậu con trai, nhưng cậu bé Keita sau khi được trả về cho gia đình mới đã lảng tránh Ryota khi anh đến thăm cậu bé.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 2
Cảnh trong phim “Cha nào, con nấy”

Keita từng lặng lẽ tận hưởng những khoảnh khắc bên cha mỗi khi cha chìm vào giấc ngủ. Để lưu lại được khoảnh khắc ấy, Keita lấy máy ảnh chụp cha lúc ngủ. Sau này, khi Ryota vô tình mở file ảnh ra xem, người đàn ông vỡ òa nức nở nhận ra những gì mình từng dành cho Keita là quá ít ỏi, ngoài cuộc sống dư dả, chỉ có những giấc ngủ vùi mệt mỏi.

Trong giới làm phim Nhật Bản, đạo diễn Kore-eda được biết tới là người chuyên kể chuyện gia đình qua lăng kính điện ảnh. Những câu chuyện đời thường được ông kể một cách nhẩn nha, tỉ tê, và rất thấm.

Đời sống tinh thần của hai gia đình trong “Cha nào, con nấy” tựa như hai con thuyền bất ngờ bị lật úp, rất nhiều xúc cảm bị đè nén. Đạo diễn Kore-eda không bao giờ kể chuyện phim qua lời thoại, tất cả được ông kể ra qua những khuôn hình không lời.

Hai cậu bé lớn lên trong hai bối cảnh đối lập có những tính cách khác biệt. Keita sống với cha mẹ giàu có, đi học ở trường tư cao cấp, cậu nhận được sự giáo dục khắt khe, tỉ mỉ và thường tỏ ra là cậu bé chừng mực, lễ độ, điềm tĩnh đến lạ so với tuổi lên 6.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 3
Cảnh trong phim “Cha nào, con nấy”

Ngược lại, Ryusei lớn lên trong sự tự do, phóng khoáng của cha mẹ nghèo khó, là một cậu bé bộc trực, bướng bỉnh, hồn nhiên; khác với Keita, cậu nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự quan tâm, gắn bó từ cha mẹ.

Cuộc đoàn tụ của hai gia đình diễn ra một cách văn minh. Khi hai bên cha mẹ gặp nhau, họ đã cho nhau xem những bức ảnh của hai đứa trẻ. Người lớn sau nhiều lần gặp gỡ đã quyết định đầu tiên, sẽ đưa con đẻ về ở nhà mình vào thứ 7 hàng tuần, để hai bên gia đình cùng dần làm quen. Sau vài tuần như thế, họ quyết định nhận hẳn con về nuôi.

Cả hai gia đình đều thương nhớ người con không cùng máu mủ, nhưng họ đã từng nuôi nấng bằng cả tấm lòng yêu thương suốt 6 năm. Đối với hai cậu bé, thiếu vắng đi “cha mẹ” từng gắn bó 6 năm đầu đời, khiến hai cậu bé cùng khủng hoảng tâm lý. Mọi chuyện không dễ dàng, nhưng bằng thời gian và sự kiên nhẫn, sự ổn thỏa rồi cũng đến.

Hai bên gia đình vẫn duy trì quan hệ thân tình, đặc biệt sự chủ động đến từ phía gia đình giàu có, họ chủ động đưa con đến thăm cặp vợ chồng nghèo khó.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 4
Cảnh trong phim “Cha nào, con nấy”

Nếu trước đây, Ryota quá bận rộn công việc và đã từng lãng quên tuổi thơ của Keita, thì giờ đây, anh gắn bó với Ryusei, và thậm chí còn thương Keita hơn trước, anh quyết định hâm nóng tình cảm từng xa cách giữa họ, dù giờ đây, Keita không còn là con ruột của anh nữa. Kết phim là cảnh hai gia đình cùng bước vào căn nhà nhỏ chật chội nhưng ấm áp.

Đứng trước biến cố lớn, hai bên gia đình đã cùng nhau cố gắng tìm ra một tương lai chung. Cách kể chuyện chậm rãi của đạo diễn Kore-eda đã khiến người xem trở nên bình tâm, “nghiền ngẫm” chuyên phim.

Người xem ban đầu rất có thể đặt nặng sự khác biệt của hai gia đình, nhưng các nhân vật trong phim đã đưa đến một bài học về tình yêu thương: Dù rất khác biệt, nhưng gác lại tất cả, những người lớn và trẻ nhỏ trong phim sau cùng vẫn ở bên cạnh nhau ấm áp, chân thành, bởi họ đã thực sự mang trong mình trái tim yêu thương.

Trailer phim “Cha nào, con nấy” (2013)

Phim truyền hình Hàn Quốc - “Trái tim mùa thu” (2000)

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến bộ phim truyền hình được coi là khởi đầu cho “làn sóng Hàn” - bộ phim “Trái tim mùa thu”. Phim đã từng lấy nước mắt và làm nức nở trái tim biết bao người xem truyền hình Châu Á, mở ra một thời kỳ thịnh hành của phim truyền hình Hàn Quốc.

Chuyện phim cũng bắt đầu từ việc hai cô bé Eun-suh và Shin-ae bị trao nhầm vì một sơ suất xảy ra trong bệnh viện. Nhưng trái với câu chuyện nhân văn ấm áp trong “Cha nào, con nấy”, “Trái tim mùa thu” là câu chuyện buồn của định mệnh.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 5
Cô bé Eun-suh trong “Trái tim mùa thu”

Trong đó, vai chính đặt vào cô bé Eun-suh lớn lên trong tuổi thơ hạnh phúc, giàu có, và sau đó đổi thay số phận, trở về sống với người mẹ ruột đơn thân nghèo nàn và người anh trai bất hảo.

Bên cạnh câu chuyện tình cay đắng của Eun-suh và người anh trai một thuở - Joon-suh, người xem còn được thấy cuộc đời của hai cô gái bị hoán đổi số phận lúc mới sinh.

Những phân cảnh từ thuở ấu thơ của hai cô gái đã từng làm nhói lòng người xem. Một Shin-ae mạnh mẽ khát khao vươn lên đã nhanh chóng tìm đến với gia đình mới có điều kiện tốt hơn; một Eun-suh hiếu thuận đã vừa khóc vừa từ chối trở về sống với gia đình cha mẹ giàu có, để quay về bên người mẹ nghèo khó.

Thẳm sâu trong mỗi cô bé vĩnh viễn là nỗi buồn của sự mất mát không bao giờ có thể khỏa lấp. Shin-ae có điều kiện sống tốt hơn nhưng luôn cảm thấy cái bóng của Eun-suh trong gia đình, tất cả các thành viên trong nhà đều thương nhớ Eun-suh - cô bé vui vẻ, nhu mì từng được cả nhà rất mực yêu thương.

Shin-ae cũng nhớ người mẹ nghèo, nhưng cô sợ hãi, không một lần quay lại, cho tới mãi về sau, khi đã trưởng thành, cuộc đoàn tụ đầy nước mắt buồn bã của hai mẹ con khiến người xem hiểu rằng, trong trái tim Shin-ae - nhân vật mang hơi hướng phản diện, vẫn luôn có chỗ của người mẹ nghèo đã nuôi cô lớn.

Bi kịch trao nhầm con trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Châu Á 6
Cảnh trong phim “Trái tim mùa thu”

Eun-suh, nữ nhân vật chính, đã đương đầu tốt nhất có thể với những gì định mệnh dành cho mình. Cô lựa chọn ở bên người mẹ nghèo, đỡ đần mẹ trong cuộc sống khó khăn.

Cuộc sống của cô kể từ khi về với mẹ ruột hầu như không có gì xán lạn hay hạnh phúc, nhưng Eun-suh và mẹ đã hình thành sợi dây tình cảm gắn bó. Đến khi vòng quay số phận để cô gặp lại gia đình một thuở của mình, những tình cảm khắc khoải, buồn đau khơi dậy cùng lúc với tình yêu bị ngăn cấm, để rồi tất cả kết thúc trong bi kịch của số phận.

Nhiều bộ phim làm về số phận của những đứa trẻ bị định mệnh đánh tráo từ lúc mới sinh vẫn thường bị cho là “lạc quan hóa” một hoàn cảnh bi kịch, còn “Trái tim mùa thu” chính là bi kịch buồn đau cho những ai tìm kiếm một câu chuyện thực tế phũ phàng đến sau sơ suất nghiệt ngã của việc trao nhầm con.

Nhạc phim “Trái tim mùa thu” (2000)

Bích Ngọc
Tổng hợp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 137
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 133
 
  •   Hôm nay 8,665
  •   Tháng hiện tại 763,808
  •   Tổng lượt truy cập 128,382,047