Từ "Hương Ga" đến "Sex and the City": Thận trọng với mác 18+

Thứ sáu - 07/11/2014 02:48

Gần đây, liên tiếp các phim điện ảnh Việt được dán nhãn R+16, R+18, khi ra rạp. Phim đã dán nhãn liệu có thật “an toàn”? Và cánh cửa thuộc vùng “cấm” vẫn chỉ hé mở.

Không chỉ đợi khi VTV2 ra khung giờ dành riêng cho người lớn, mà VTV3 đã có khung giờ này với chương trình Chuyện đêm muộn với các vấn đề xung quanh chuyện giới tính và tình dục. Và một số phim Việt cũng đã nới biên độ dán nhãn từ R +16, thêm R +18. Nhưng xem ra việc đảm bảo “an toàn” vẫn không có gì chắc chắn. Vẫn chưa có các chế tài đồng bộ để có thể thực thi đúng luật.

Cửa chỉ mở hé

Cho dù có khung giờ riêng dành cho R+18 nhưng ai bảo đảm lứa tuổi dưới 18 không xem phim “cấm” khi chiếc tivi ở Việt Nam có thể là “tài sản” chung của mọi thành viên trong gia đình. Hay không cần xem tivi gia đình cũng có thể xem phim khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay một phương tiện nghe - nhìn công nghệ cao di động là có thể xem tất cả những gì muốn xem.

Có lẽ thế mà khi họp báo để giới thiệu khung giờ R+18 trên VTV2, ông Hà Nam - Trưởng ban thư ký biên tập VTV - đã thận trọng: “Vì phim đã dán nhãn R+18 và chiếu giờ muộn nên có những vấn đề về giới tính chúng tôi vẫn giữ lại. Tuy nhiên, những vấn đề về khác biệt văn hóa chúng tôi sẽ biên tập chặt chẽ. Vấn đề nào không phù hợp sẽ bỏ. Có tập chúng tôi bỏ hoàn toàn...”. Với phim điện ảnh cũng vậy, nếu đã dán nhãn R+18, R+16 , tại sao phim vẫn cứ phải thẩm định cắt cảnh nóng này, cảnh bạo lực kia, thậm chí có phim không cho phát hành vì nhiều cảnh nóng, vì quá bạo lực…

Từ "Hương Ga" đến "Sex and the City": Thận trọng với mác 18+ 1
Cảnh phim Hương Ga - phim có nhiều cảnh nóng, bạo lực (ảnh do Galaxy cung cấp).

Phải chăng, dù đã cố gắng “cởi mở”, đưa những phim có những khác biệt về văn hóa truyền thống hay “thuần phong mỹ tục” để hợp với xu thế chung của hội nhập, toàn cầu hóa…, nhưng vì “luật không nghiêm” nên vẫn phải dùng chế độ kiểm duyệt, một kiểu “mở hé” để có thể đảm bảo sự “an toàn”? Nhưng liệu có “an toàn” thật sự, hay cũng chỉ là hình thức?

Mở hé nhưng vẫn lọt

Cái “lọt” trước hết chính là khâu PR trên truyền thông. Phim dán nhãn R+16, R+18, khi PR bằng những clip, trailer trên truyền thông thì toàn cảnh “nóng” nhất hay bạo lực, “bạo tàn” nhất, nhưng chẳng có ai dán nhãn hay cảnh báo theo kiểu của nước ngoài: “Bạn có chắc bạn đủ 16 tuổi để xem đoạn phim này?”, hay “Trong phim có những cảnh người lớn (cảnh bạo lực), khán giả cân nhắc khi xem”.

Ngay cả những phim điện ảnh Việt dán nhãn R+18, R+16 có tính bạo lực, cũng không có một lời cảnh báo trên phim như ở các phim nước ngoài: “Trong phim có những hành động đua xe do diễn viên đóng thế. Bạn không được khuyến khích bắt chước các cảnh đua xe, rất nguy hiểm”...

Mà đã là quảng cáo trên truyền thông, thì ai là người kiểm soát những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên? Đây là cái “cửa” to nhất mà các chế tài trong luật của Việt Nam bỏ lọt, chỉ lo dán nhãn phim, mà không dán nhãn cả những trailer, clip PR phim trên truyền thông.

Một cái “lọt” khác, thuộc về “lỗi hệ thống”. Ở Việt Nam, việc tự giác tuân thủ theo luật định rất hạn chế. Chuyện chưa đủ tuổi để xem những phim dán nhãn R+16, R+18 bị buông lơi, buông từ nhà kinh doanh rạp, buông từ nhà quản lý, không có ai kiểm soát, thanh tra, hoặc giả nếu có thì mức độ chế tài cũng xem như “zero”, không có gì. Và cũng chưa thấy có án phạt nào xem phim sai độ tuổi ở Việt Nam kể từ khi có những phim dán nhãn…

Còn trong gia đình, thói quen cả nhà cùng xem phim không phân biệt lứa tuổi cũng như một kiểu “văn hóa Việt”, nên việc xem phim theo giờ, theo tuổi trong gia đình quả là một việc khó hơn lên trời.

Kiểm duyệt là cần thiết. Dán nhãn cũng là cần thiết, thậm chí còn cần mở rộng hơn biên độ từ R+13, R+15, chứ không chỉ R+16, R+18 như hiện tại. Nhưng không có nghĩa là cầm cái kéo cắt chỗ nọ chỗ kia với lý do không thích hợp với a..b…c..d, nhưng thực tế thì quản không được.

Thời công nghệ cao, thời của các phương tiện nghe - nhìn di động phổ biến, chỉ có cách xây dựng những chế tài nghiêm ngặt khi vi phạm chuyện dán nhãn quy định lứa tuổi xem phim và đồng thời có sự kết hợp giáo dục thói quen xem phim của công chúng khán giả Việt một cách văn minh, đúng người, đúng phim.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần: Thận trọng với mác 18+

Nên dán nhãn R +18 cho các phim có yếu tố sex và bạo lực, không thì thiệt thòi cho nhà làm phim. Cái khó là làm sao quản lý trẻ em, thường các phim này nên chiếu sau 22h khi các em đã ngủ. Hiện Đài truyền hình Việt Nam chia ra nhiều kênh với chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt như kênh chính luận VTV1, kênh giáo dục khoa học VTV2, vì thế đưa phim Sex and the City - phim R+18 vào chiếu ở VTV2 cũng là một cách giáo dục. Ở ta cái khó là khi xem cảnh nóng nhiều khi có cả bố mẹ, dâu con cùng xem sẽ thấy khó chịu, trong khi ở nước ngoài thì đó là chuyện thường.

Nguồn tin: news zing


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 131
 
  •   Hôm nay 7,298
  •   Tháng hiện tại 620,199
  •   Tổng lượt truy cập 128,238,438