Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero

Thứ hai - 13/08/2018 13:47
Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero

Dân trí Duy Cường - Tiến sĩ Triết học, Quán quân Thần tượng Bolero 2018 đã chia sẻ ký ức về những ngày tháng nghèo đói và khốn khó đầy ám ảnh.

Duy Cường sinh ra ở Nghệ An, được biết đến là Tiến sĩ Triết học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có giọng hát ngọt ngào. Sau khi đoạt giải Quán quân Thần tượng Bolero 2018, Tiến sĩ 9x này dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy tại ngôi trường anh từng trưởng thành.

Anh khẳng định sẽ mãi là một giảng viên trách nhiệm với sinh viên và vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát để không phụ lòng công chúng. Anh muốn họ mãi nhớ đến mình như một Tiến sĩ hát Bolero.

Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero 1
Duy Cường trong MV.

Trong buổi ra mắt MV “Tình mẫu tử” mới đây, Duy Cường cho biết, trong ký ức của anh, hình ảnh người mẹ tảo tần, suốt một đời hy sinh vì chồng con. Theo đó, năm Duy Cường học lớp 1, bố anh bị tai nạn giao thông. Từ một gia đình khá giả trong làng, cuộc sống của gia đình Cường nhanh chóng tụt dốc. Tất cả mọi thứ trong gia đình đều phải bán và cầm cố để chữa bệnh cho bố.

Quãng thời gian khủng khiếp kéo dài đến 5 năm trời. Khi tiền trong nhà đều “đội nón” ra đi, không còn tài chính để duy trì, các bác sĩ đành phải cắt chân của bố anh để bảo toàn tính mạng cho ông. Từ lúc đó, mẹ anh một vai gánh vác tất cả mọi nỗi lo toan trong gia đình. Bà vừa phải đi làm, vừa chăm sóc bố trên bệnh viện. Mỗi tuần chỉ về thăm hai anh em một lần. Hai anh em Cường phải tự chăm lấy lẫn nhau.

Một sào khoai mẹ trồng trước khi đi lên viện chăm bố, khi mẹ về cày lên chỉ có mỗi dây khoai chứ củ không còn bởi hai anh em trước đó đã mót khoai ăn trừ bữa. Gia đình còn 15kg lúa giống nhưng vẫn phải bán để lo cho bố, thậm chí nồi niêu trong nhà cũng bán hết. Gia đình rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” theo nghĩa đen. Hình ảnh khiến Cường cay mắt nhất chính là chuyện nồi cá kho.

Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero 2
Thầy hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng góp mặt trong MV.

Thương hai con phải ở nhà trông nhau vất vả nên mẹ Cường cố dành tiền nhờ hàng xóm mua cá kho hộ. Tiếng là có cá kho nhưng cuối cùng vì không có tiền mua nhiều cá nên nồi cá kho kho lên chỉ toàn muối là muối. Anh em Cường phải nghỉ học thường xuyên vì không có tiền đóng học, may nhờ một bác ở Hội Cựu chiến binh xin cho mới có thể tiếp tục việc học. Ký ức tuổi thơ liêu xiêu ấy luôn khiến Duy Cường không thể cầm được nước mắt khi nhớ lại.

Năm lớp 6, Cường bắt đầu cùng mẹ để đi buôn nùi dẻ (quần áo cũ vứt đi) để về lau ô tô. Hàng ngày 2 mẹ con đạp xe đi thu mua khắp nơi. Sau đó Cường đi một mình, buôn thêm cả đồng nát, một buổi học, một buổi buôn. Anh chỉ có 8 ngày ôn luyện nhưng may mắn đỗ vào trường mình mơ ước là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Mơ ước thoát khổ bằng con đường học vấn nhưng cũng có lúc Cường tưởng mình không thể tiếp tục với giảng đường. Chàng sinh viên nghèo đi làm gia sư, bưng bê quán cà phê… chỉ để có tài chính học tập. Anh bảo, vai mẹ gầy quá, không thể đặt thêm gánh nặng lên đôi vai ấy.

Khi đã trưởng thành, người đầu tiên Cường luôn nghĩ đến là mẹ. Hiểu được tấm lòng hiếu nghĩa của cậu học trò, danh ca Ngọc Sơn đã dành tặng cho Cường sang tác mới về mẹ là “Tình mẫu tử”. Bản thân Ngọc Sơn cũng tư vấn cho học trò rất nhiều về cách hát, cách thức thực hiện sản phẩm âm nhạc sao cho giản dị, chạm đến trái tim của người xem.

Duy Cường bảo, anh chọn ra mắt MV vào lễ Vu Lan để không chỉ bày tỏ tình yêu và sự cảm ơn tới tình yêu, sự hy sinh sâu nặng của mẹ mà muốn nói thay tấm lòng của những người con Việt. Đây cũng là điều mà thầy Ngọc Sơn rất khuyến khích anh.

Tuổi thơ nghèo đói và khốn khó của Tiến sĩ - Quán quân Bolero 3
Hình ảnh minh hoạ trong MV.

Người đầu tiên anh mời xem sản phẩm âm nhạc sau khi hoàn thành chính là mẹ. Mẹ đã xem và khóc rất nhiều. Mẹ thấy hình ảnh của mẹ trong đó nhưng Duy Cường biết rằng, tình yêu, sự chở che của mẹ dành cho anh bao la hơn rất nhiều so với những gì MV gợi lên.

Duy Cường cũng cho biết, sau khi đăng quang Thần tượng Bolero, dù được nhiều lời mời biểu diễn nhưng Cường không chạy theo con đường showbiz hào nhoáng. Anh vẫn muốn tiếp tục công việc giảng dạy và vẫn kiên trì tập luyện thanh nhạc để có giọng hát kỹ thuật hơn.

Sự lựa chọn này của anh không chỉ được thầy Ngọc Sơn, mẹ chấp nhận mà còn được lãnh đạo nhà trường và sinh viên ủng hộ. Khi Cường xin ý kiến thầy hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thầy đã khiến chàng giảng viên trẻ bất ngờ khi cùng dàn sinh viên xuất sắc xuất hiện trong MV.

Những tình yêu thương này khiến Duy Cường quyết định đi tiếp một bước đi táo bạo. Anh không chỉ ra mắt MV mà còn dự tính sẽ thực hiện một liveshow với ý nghĩa thiện nguyện để hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trong thời gian tới.

MV "Tình mẫu tử":

Tiến sĩ Triết học - Quán quân Thần tượng Bolero 2018 hát ca khúc của Ngọc Sơn.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 113
 
  •   Hôm nay 17,352
  •   Tháng hiện tại 720,835
  •   Tổng lượt truy cập 127,113,039