Dọn nhà - Khai bếp: Nghệ thuật thổi hồn cho tổ ấm ngày Tết

Thứ sáu - 11/01/2019 15:59
Dọn nhà - Khai bếp: Nghệ thuật thổi hồn cho tổ ấm ngày Tết Dọn nhà - Khai bếp: Nghệ thuật thổi hồn cho tổ ấm ngày Tết

Dân trí Trong ngôi nhà của chị Hạnh, một phụ nữ gốc Hà Nội, có một góc nhỏ chừng 30m2 luôn được chị chăm chút đặc biệt. Đó là căn bếp. Những ngày cận Tết, như mọi năm, chị Hạnh không quên 2 việc quan trọng: dọn bếp thật sạch và chuẩn bị nguyên vật liệu tốt nhất cho Khai bếp đầu xuân.


Bếp sạch xuân mới, Tết khi ấy bắt đầu

"Đó là quan niệm riêng của mình nên từ đến 20 tháng Chạp, sau giờ ăn tối, thay vì ngồi xem TV, mình dành thêm 20 phút mỗi ngày để dọn dẹp căn bếp." Chỉ trong một tuần, góc nhỏ ấm áp của chị như được thay áo mới.

Bí quyết dọn dẹp của chị rất đơn giản: làm sạch từ cao tới thấp, từ vật dụng lớn để đồ dùng nhỏ. Đầu tiên, chị cùng chồng quét trần nhà và lau dọn nóc bếp. Đây là chỗ ít đụng tới nhưng thường lưu cữu bụi bẩn, mạng nhện và muội bếp sau cả năm trời nấu nướng. Có chồng giúp sức, mọi việc chỉ 15 phút đã xong. Tiếp theo là kiểm tra hệ thống vòi rửa, thoát nước. Bồn rửa bát được đánh lại, rác rưởi bên dưới được khơi thông.

Khi "hạ tầng cơ sở" đã được xử lý xong, những ngóc ngách "vùng sâu vùng xa" sẽ được vệ sinh kỹ lưỡng. Đặc biệt, gia đình chị Hạnh chú trọng nhất là công đoạn chuẩn bị cho hoạt động Khai bếp. Chị dọn dẹp, sắp xếp mọi thứ tuân theo quy tắc âm dương – ngũ hành, nghe thì lạ nhưng lại "có lý" riêng của nó. Chị chia sẻ: "Đây là tập tục gia đình. Từ thời ông bà mình, các cụ đã giải thích bếp là nơi duy nhất trong gia đình hội tụ 5 yếu tố Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đầu năm phải Khai bếp thì bếp mới ấm, nhà mới an, tài lộc mới rủ nhau kéo đến."

Chẳng hạn với hành kim, đại diện là bộ nồi niêu, xoong chảo vốn là thứ tròn trịa, tượng trương cho sự trọn vẹn đủ đầy nên nếu nắp nồi bị méo, quai sứt miệng mẻ, chị sẽ đem đi gò nắn lại hoặc thay mới. Những đồ có chất liệu gỗ - hành mộc - như tủ bếp, đũa, thớt… chị chú ý đánh sạch để không bị mối mọt, nấm mốc. Chị còn cẩn thận ngồi sắp lại từng que đũa, bỏ đi những cái sắp mốc hoặc so le không đều, bởi theo quan niệm dân gian, đôi đũa tre, với một đầu tròn một đầu vuông tượng trưng cho âm dương hòa hợp, hàm chứa hạnh phúc lứa đôi. Còn chai nước mắm, lọ dấm, dầu ăn… - những nguyên liệu dạng lỏng thuộc hành thuỷ - đều được kiểm tra hạn sử dụng, và lau chùi bên ngoài sạch sẽ. Chị không quên mua một chai dầu ăn mới để ngày mồng Một tết mới mở. Vì dầu tượng trưng cho sự hanh thông, của cải, sự giàu có của gia chủ nên phải đầy ăm ắp. Cuối cùng chị kiểm tra bếp, thay bình gas, bộ phận đánh lửa… bởi trong ngày Tết, lửa bếp - tượng trưng cho hành hoả - càng trở nên quan trọng, đó là thứ khởi đầu cho một bữa ăn ngon và thổi bùng lên không khí ấm áp của gia đình trong năm mới.

Dọn nhà - Khai bếp: Nghệ thuật thổi hồn cho tổ ấm ngày Tết 1

Đại diện cho hành thuỷ trong gian bếp, dầu ăn phải đầy ắp để cả năm mọi sự hanh thông, tài lộc dồi dào

Dọn dẹp xong xuôi mọi việc là đến công đoạn "sáng tạo". Cũng bởi "thân" với gian bếp nên mỗi năm chị lại có một ý tưởng thú vị về chọn và chưng mâm ngũ quả rất riêng.Là người Bắc nhưng mấy năm trở lại đây chị lại chuộng cách chưng mâm ngũ quả theo lối trại âm của người miền Nam, tức là cầu gì chưng nấy.

Năm nay, với mong ước đủ nguồn tài chính cho cô con gái du học, chị chọn mâm ngũ quả có tên "cầu giàu vừa đủ xài" (cầu - mãng cầu, vừa - trái dừa, đủ - đu đủ, xài – trái xoài, với chai dầu ăn – đồng âm với "giàu có" và cũng đồng thời tượng trưng cho sự hanh thông - được đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh là các loại trái cây màu sắc bắt mắt).

Khai Bếp cho Tết sum vầy, vạn sự hạnh thông, tài lộc dồi dào

Đối với nhiều người phụ nữ Việt Nam như chị Hạnh, căn bếp không chỉ là nơi nuôi dưỡng gia đình mà còn gắn chặt với văn hóa gia đình, thể hiện từ lễ cúng ông Công ông Táo tới tập tục nấu bánh chưng, từ truyền thống cúng cơm tất niên cho tới lễ hoá vàng khi hết Tết. Truyền thống văn hoá đó không những được tiếp nối mà còn được đắp bồi thêm bằng những cách thức rất sáng tạo.

Theo Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM: "Thực chất khai bếp đầu năm bắt nguồn từ tục giữ lửa truyền thống của dân tộc, bản thân đã luôn hiện hữu trong mỗi gia đình nhưng ít được gọi tên như một tập tục. Trước đây, tập tục này thể hiện rõ nhất ở nồi bánh chưng ngày Tết nhưng theo thời gian, vai trò của nồi bánh chưng ngày càng nhạt dần vì nhiều lý do như: xu hướng đô thị hóa (không còn không gian rộng rãi đặt nồi bánh chưng), kinh tế dịch vụ phát triển (có bánh chưng gói sẵn)... người Việt bắt đầu cần tìm kiếm yếu tố khác bổ sung vào, đó chính là Khai bếp. Tự thân nghi thức khai bếp đầu năm đã hội tụ đầy đủ triết lý âm dương ngũ hành, là cơ sở để vạn sự được hành thông, thuận lợi".

Cũng theo Tiến sĩ, việc khai bếp được thường thực hiện đơn giản, không cầu kỳ, có yêu cầu nghiêm nhặt nào về thời gian hay cách thức. Mồi ngọn lửa cho bếp ấm đầu năm để nấu trà, đun ấm nước đó cũng đã là Khai bếp.

Dọn nhà - Khai bếp: Nghệ thuật thổi hồn cho tổ ấm ngày Tết 2

Tiến sĩ Trần Long, Khai bếp đó là sự kế thừa của tập tục giữ lửa trong đời sống hiện đại

Với gia đình chị Hạnh, như một thói quen, luôn Khai bếp nổi lửa cho bữa ăn đầu tiên. Lúc ấy vợ chồng chị sẽ cùng làm với nhau làm mọi việc. Chị đổ nước vào nồi - anh bật bếp, chị nhặt rau - anh rửa rau, chị nấu ăn - anh rửa bát…

Có những năm anh đi công tác vắng, chị rủ các con cùng làm và phân chia công việc rõ ràng. Mỗi người một tay, mỗi người một việc. Buổi Khai bếp đầu năm nhờ đó trở nên nhẹ nhàng, không còn là gánh nặng một mình của người phụ nữ. "Vũ khí bí mật" để vun đắp hạnh phúc gia đình chính là chị. Và Khai bếp chính là "vũ khí bí mật" để chị bắt đầu một năm mới no đủ, ấm áp và hanh thông.

Chị kể vui, những "nghi thức" nho nhỏ do chính chị tạo ra trong gia đình đã được cô con gái viết thành tản văn đăng báo Tết. "Tôi sẽ luôn nhớ những phút hạnh phúc của gia đình, ví như lễ Khai bếp đầu xuân, bởi đó là khoảnh khắc có hình bóng thương yêu của mẹ, có sự giúp đỡ âu yếm của cha, và có sự biết ơn của chị em tôi đối với gia đình. Sau này, dù có đi năm châu bốn biển, tôi sẽ luôn nhớ về ngày Tết với Lễ Khai bếp ấm áp của mẹ", chị rưng rưng khoe bài báo của cô con gái cưng. Và mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc.

Với chị, Tết không chỉ là những điều truyền thống. Với chị, Tết còn là sự sáng tạo, là khoa học và là tình yêu.

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 107
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 106
 
  •   Hôm nay 25,367
  •   Tháng hiện tại 715,973
  •   Tổng lượt truy cập 128,334,212