“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới

Thứ bảy - 12/01/2019 10:19
“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới “Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới

Dân trí Xa trung tâm, không có chợ... việc buôn bán của bà con các bản làng dân tộc Thái, Thổ, Mông... vùng cao biên giới Nghệ An rất khó khăn.

 Nắm bắt điều này, người miền xuôi đã sắm xe máy, thậm chí cả ô tô “đánh” những chuyến hàng từ thực phẩm hàng ngày đến đồ gia dụng, quần áo, dày dép … chở đến tận các ngõ ngách các bản làng, để bán.

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 1

Những chuyến xe chở đầy ắp hàng chuẩn bị vào các bản làng để bán.

Gần 6h sáng, rét như cắt, trời còn tối, sương mù giăng kín nhưng quốc lộ 48A từ ngã ba Phú Phương xã Tiền Phong đi cửa khẩu Thông Thụ (huyện Quế Phong-Nghệ An) đã tấp nập những chuyến xe chở hàng. 

Áp tết, chủ “chợ di động” như vội vã hơn, gấp gáp hơn. Con đường độc đạo ngoằn ngoèo đèo dốc là thế mà những tay lái chở hàng này không hề chạy chậm. Đa phần bán hàng theo kiểu này là nữ nhưng phải rất vất vả, chúng tôi mới “bám càng” kịp.

Đưa hàng tết vào bản

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 2

Những chuyến chợ "di động" mang đến từng bữa ăn trọn vẹn đến người dân vùng sâu vùng xa.

Xe chạy chừng 20km, khi đã đến địa phận xã Đồng Văn (Quế Phong-Nghệ An), những chủ “chợ di động” tự tách ra rồi rẽ vào những bản làng là những điểm tái định cư thủy điện Hủa Na của đồng bào dân tộc Thái, Thổ như thể đã phân chia từ trước, để bán hàng.

Chúng tôi nhanh tay lái rẽ theo xe hàng của chị Lê Thị Mai (quê ở huyện Diễn Châu) để vào điểm tái định cư Huồi Duộc - Huồi Man. Đi ngang một số ngôi nhà chị Mai bóp còi inh ỏi. Đó là cách chị báo hiệu cho khách hàng quen biết của mình để họ ra mua. Trong khi chị Mai tay thì bán hàng, tay thì thoăn thoắt thối tiền thừa cho khách, chúng tôi mới có dịp ngắm kĩ “chợ di động” của chị.

Một thùng gỗ vừa phải nhưng được chị chất rất nhiều hàng từ mấy kg thịt, mấy loại cá biển, rau cải, cà, cà chua, hành hoa... . Phía trên, chị còn kèm thêm mấy bắp hương trầm và ít hoa nhựa, gói cẩn thận trong bao bóng mà theo chị là do khách dặn hôm qua nên mới lấy.

“Thùng gỗ này ông xã tôi thiết kế đấy. Một phần nằm ở trên yên xe, hai phần còn lại ở hai bên và ốp và thành xe rất tiện lại chắc chắn hơn dùng sọt. Thường ngày tôi bán các mặt hàng thực phẩm. Chỉ những ngày gần tết, tôi mới đưa hàng tết vào bán thôi”, chị Mai cho biết.

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 3

Rất nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng.

Rời điểm tái định cư này, chúng tôi đi vào điểm tái định cư Mường Hinh xã Thông Thụ huyện Quế Phong. Từ xa đã thấy xe hàng của chị Lê Thị Nga (quê Thanh Hoá) đang lặng lẽ vượt dốc. Xe hàng của chị Nga lại là hai chiếc sọt cột hai bên thành xe và cũng chở rất nhiều thứ nhưng gần một nửa là những mặt hàng phục vụ tết như bánh, kẹo... .

Một người mua hàng cho chúng tôi biết: “Dân bản mình gọi đây là “chợ di động” đấy. Hàng gì cũng có bán, không có thì mình dặn, ngày mai họ lại đưa vào thôi tiện lắm”.

Tầm hơn 8h sáng, chị Nga nói: “Ra ngoài kia uống nước nghỉ thôi. Giờ này dân bản bắt đầu đi làm rẫy, không có người mua nữa đâu. Gần 11h trưa mình quay lại tiếp, khi ấy họ lại về”. Địa điểm mà chị Nga nói là vệ đất trống nằm trước địa phận rẽ vào xã Thông Thụ.

Khi chúng tôi đến nơi thì đã mấy người ngồi ở đó. Kia là con dâu chị Mai cũng bán hàng như mẹ, anh Trung ở huyện Nam Đàn bán xô, chậu nhựa, kia là bác Nam người Thanh Hóa bán đủ thứ từ kim chỉ, cúc, dây buộc tóc đến quần áo, dày dép... rồi cả những người chúng tôi chưa kịp hỏi tên, bán chăn, nệm … mới từ xã Thông Thụ chạy ra.

Như một sự phân chia rạch ròi, cánh phụ nữ bán đồ thực phẩm hàng ngày còn đàn ông thì bán đồ gia dụng. “Hầu hết các xã ở miền núi không có chợ, nếu muốn đi chợ thì rất xa nên người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp. Nắm bắt xu thế này, chúng tôi mới chở hàng vào bán và đương nhiên là bán tất cả những mặt hàng. Mùa nào thì bán thứ ấy”, bác Nam chia sẻ.

Nhọc nhằn mưu sinh

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 4

Hàng ngày các chủ "chợ di động" phải đi hàng chục km đường rừng.

Họ là những người dưới xuôi hay thậm chí là ở tỉnh khác lên đây kiếm sống. Như gia đình chị Mai thì thuê nhà ở trọ gần thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong, bác Nam cũng vậy, còn như anh Trung thì thuê nhà trọ mãi tận xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu.

3h 30’ sáng, họ đã phải dậy để lựa hàng. Hàng được mua của các tiểu thương ở chợ Phú Phương, chợ thị trấn. Ở đó, ngoài nguồn rau, thực phẩm của người bản địa còn có những xe hàng dưới xuôi chở lên bán sỉ nên rất dễ lấy. Còn những mặt hàng như anh Trung, bác Nam bán thì được lấy sỉ từ các đại lý nên có thể lấy bất cứ thời điểm nào.

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 5

Những mặt hàng đến với bà con dân bản thường có giá rất rẻ. (Ảnh: Q.A)

Theo những chủ “chợ di động” kể lại thì trước đây ít người bán còn “dễ thở”, mỗi ngày cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng. Nay nhiều người thấy “bở ăn” làm theo nên rất khó bán, giỏi lắm ngày cũng chỉ lời độ 100 ngàn đồng mà phải đi trung bình 50km đường rừng mỗi ngày. 

Có khi đi cả buổi sáng không có người nào mua hàng, thậm chí cánh bán hàng thực phẩm buổi chiều phải ra chợ Phú Phương bán nốt số hàng dư thừa vì dân bản chỉ mua buổi sáng và ăn cho cả ngày.

“Rong ruổi khắp mọi ngõ ngách bản làng nhưng để bán được hàng cũng đâu có dễ. Chị Mai nói rồi mở túi lấy cho chúng tôi một tập 5 cuốn sổ bé bằng bàn tay ghi chi chít những khách hàng nợ từ vài ba ngàn đồng cho đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đồng.

“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 6
“Chợ di động” mưu sinh giữa đại ngàn biên giới 7

Những bả làng heo hút, xa xôi giờ không còn sợ thiếu thực phẩm, đồ dùng... nữa vì đã có "chợ di động".

“Bán hàng kiểu này ai cũng vậy cả, có khi họ đổi buồng chuối, cân gạo, con gà... mình cũng chấp nhận, còn hơn phải ghi nợ”, con dâu chị Mai tiếp chuyện.

Vào đây hoang vắng, có nhiều đối tượng nghiện ma tuý, các chị không sợ sao?, PV đặt câu hỏi: “Thời gian đầu nơm nớp lắm, nhưng riết cũng thành quen. Vả lại cũng chưa gặp trường hợp nào bị dọa trấn lột, vì cuộc sống, không đi bán thì không có tiền, lấy gì nuôi con”, mẹ con chị Mai, chị Nga đồng thanh nói.

Chúng tôi hỏi tiếp: Chuyện hư xe không phải ít? - Một người trong nhóm bán hàng kể lại: “Chuyện đó nhiều lắm. Có bận tôi bị hư xe, đẩy mấy cây số mà chưa đến chỗ sửa, nhờ người dân đẩy giúp, ai ngờ đến nơi thì họ đòi trả công. Tôi móc túi trả tiền mà ngán ngẩm!!!”.

Chị Nga, mẹ con chị Mai, anh Trung, bác Nam và nhiều người nữa chúng tôi gặp, trông ai cũng khắc khổ, đen đúa. Vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận đánh đổi vất vả, hiểm nguy từ những 50km đường rừng đèo dốc để lấy chừng hơn 100 ngàn đồng tiền lãi mỗi ngày.

Tầm 25 tháng Chạp âm lịch, “chợ di động” mới nghỉ bán, kết thúc một năm nhọc nhằn, vất vả của những người lao động nghèo. Và từ rằm tháng Giêng năm sau, vòng quay ấy lại tiếp diễn.

Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 144
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 139
 
  •   Hôm nay 17,362
  •   Tháng hiện tại 630,263
  •   Tổng lượt truy cập 128,248,502