Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone

Thứ năm - 23/05/2019 09:40
Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone

Dân trí Cái tên nghệ sỹ Saxophone Phan Anh Dũng bây giờ không còn xa lạ với khán giả mê nhạc Jazz phía Bắc.

Chúng tôi gặp Phan Anh Dũng khi anh đang hoàn thành nốt những khâu đoạn cuối cùng cho chương trình âm nhạc kỷ niệm 45 năm hành trình lao động, học tập và giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào tối 6/6. Chương trình do Hội nhạc sĩ Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật.

45 năm qua anh mê mải, âm thầm từ sáng tác khí nhạc, chuyển soạn các bản nhạc dành cho Violon, Piano sang Saxophone, biểu diễn, phát hành CD hòa tấu Saxophone viết báo... Là người chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, đến nay, nghệ sỹ Phan Anh Dũng đã phát hành 7 CD và 3 DVD. Anh đã được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao 4 giải thưởng và tặng nhiều bằng khen…

Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone 1

Nghệ sĩ Phan Anh Dũng.

Nghệ sĩ - Giảng viên Phan Anh Dũng không chỉ là một nghệ sỹ đam mê và thành công trên sân khấu, anh còn là người thầy tâm huyết với các học trò. Trong công tác đào tạo, là người thầy duy nhất tại Việt Nam biên soạn 3 cuốn sách dạy kèn Saxophone bằng tiếng Việt (2 trong 3 cuốn sách dạy kèn Saxophone này đã được nhận giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam), biên soạn một bộ sách “Những tác phẩm quốc tế dành cho Saxophone”, gồm 3 tập.

Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone 2

Anh "bén duyên" với kèn saxophone từ năm nào? Đã dạy học kèn saxophone được bao lâu?

Thuở nhỏ tôi được cha mẹ cho học đàn violone và kèn clarinete tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1984 khi tôi được nhận thử việc tại đoàn Nghệ thuật Công an Hà Nội thì tổ chức yêu cầu tôi chuyển sang chơi kèn saxophone và tôi đã "bén duyên" với cây kèn từ đó.

Năm 1995 khi đang là nghệ sĩ chơi kèn saxophone tại Nhà hát ca nhạc nhẹ Trung ương, tôi đươc nhạc sĩ Đoàn Phi Liệt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội lúc bấy giờ mời về giảng dạy bộ môn kèn saxophone tại trường. Tôi đã hào hứng nhận lời và bắt đầu dạy tại trường từ năm 1999 đến nay.

Tuy nhiên, trước đó, năm 1991, tôi đã dạy Saxophone, tính ra cùng hơn 25 năm. Người tôi dạy lớn tuổi nhất sinh năm 1942 có gia đình cả ông nội và cháu theo học kèn Sax do tôi truyền dạỵ, hiện tôi đã truyền trực tiếp dạy cho hơn 800 học viên trong đó có khoảng 30 học viên quốc tịch Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga. Khi mới bắt tay vào biên soạn sách dạy kèn Sax tôi thầm mong ước lúc nào đó tôi dạy nhạc cho 1.000 và con số đó đã dần thành hiện thực.

Trong đêm nhạc của tôi sắp tới sẽ có khoảng 40 học sinh tham gia với tư cách khách mời và nghệ sỹ biểu diễn, hiện có nhiều người đã thành danh.

Nghệ sỹ Phan Anh Dũng tự sự cùng saxophone 3

Nghệ sỹ Phan Anh Dũng và tác giả.

Điều gì cần nhất cho một giáo viên dạy nhạc, nhất là dòng nhạc Jazz vốn rất kén khán giả?

Sự kiên trì và lòng say mê truyền dạy âm nhạc cho mọi người. Hiện tôi đang truyền dạy cho một học sinh bị khiếm thị nếu không có gì thay đổi thì đầu năm 2019 cậu học sinh đặc biệt này sẽ biểu diễn với tôi tại Nhà hát lớn Hà Nội trong dịp kỷ niệm 45 năm con đường âm nhạc của tôi.

Ý tưởng biên soạn “Phương pháp học Saxophone” của anh bắt đầu từ lúc nào?

Khoảng năm 2000, khi soạn giáo án để dạy các học sinh, tôi nhận thấy ở Việt Nam chưa có tài liệu dạy kèn Saxophone bằng tiếng Việt, việc dịch các sách giáo khoa (SGK) của nước ngoài để dạy cho học sinh Việt Nam thì có nhiều điểm không phù hợp với người Việt. Do vậy tôi đã ước mơ biên soạn một cuốn sách dạy Sax bằng tiếng Việt để tạo thuận lợi cho cả người dạy và người học kèn saxophone.

Tôi bắt tay vào biên soạn từ năm 2004 sau nhiều lần chỉnh sửa, đến năm 2010, sách đã được Nhà Xuất bản âm nhạc phát hành. Đến khi cuốn SGK này được phát hành, tôi mới thấy được nhu cầu của người Việt chơi saxophone khá đông. Cuốn "Phương pháp học Saxophone - tập 1" đã được nhiều người chơi Saxophone trong nước và người Việt định cư tại các nước Đức, Mỹ, Australia, Nhật... sử dụng.

Biên soạn một SGK cho một nhạc cụ là việc không đơn giản, đây lại là cuốn SGK đầu tiên về saxophone ở Việt Nam. Anh gặp những khó khăn như thế nào?

Rất nhiều khó khăn. Khi biên soạn tôi cũng có tham khảo ý kiến của những người đã từng viết SGK cho các nhạc cụ khác như NS. Tạ Tấn… Thực tế số lượng giảng viên dạy bộ môn kèn Saxophone chính quy chỉ có vài người nên việc kêu gọi mọi người cùng biên soạn là một khó khăn vì không phải ai cũng có ý nghĩ như mình.

Khó khăn lớn nhất trong khi biên soạn SGK là từ trước tới nay chưa có cuốn SGK nào dành cho người Việt để tham khảo, do vậy tốn khá nhiều thời gian. Nhiều lúc cũng nản sau khi đã hoàn thành tập 1, tôi ngồi nhẩm tính mất tới gần 6 năm để hoàn thành một tập sách dày gần 150 trang. Khi viết xong đưa ra để giảng dạy có nhiều điểm chưa hợp lý lại phải chỉnh sửa. Nhiều lần phải đặt ra tình huống rằng mình là người đi học Saxophone để đặt ra những câu hỏi và tìm ra những câu trả lời vừa ngắn gọn lại dễ hiểu giúp cho người sử dụng sách dễ tiếp thu.

Tôi cũng có may mắn khi chơi thành thạo vài nhạc cụ như: Violon, kèn Clarinet… do vậy việc tham khảo thêm các SGK của các nhạc cụ khác cũng giúp tôi vững tin trong khi biên soạn.

Bộ tập sách đã được thị truờng đón nhận như thế nào ? Có thể đưa cuốn sách vào làm tài liệu giảng dạy ở các trường Văn hóa nghệ thuật không?

Tôi biên soạn bộ sách này để từng bước hoàn thiện kỹ năng giảng dạy của tôi đồng thời qua cuốn SGK này, tôi kết bạn được với nhiều người chơi Saxophone. Tính đến nay tôi đã biên soạn được 3 cuốn sách dạy kèn Saxophone và biên tập một bộ sách gồm 30 ca khúc Quốc tế dành cho Saxophone.

Tôi đã sử dụng các cuốn sách này dạy học sinh của tôi tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội từ năm 2008. Vài giáo viên âm nhạc của các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Huế, Hải Phòng, TPHCM cũng đang sử dụng cuốn sách này để giảng dạy. Cuốn tập 1 tôi biên soạn trong 6 năm cuốn tập 2 khoảng 3 năm cuốn thứ ba do có kinh nhiệm nên tôi biên soạn trong 20 tháng là hoàn thành.

Xin hỏi nghệ sỹ, anh có thể cho biết “hậu trường” đêm nhạc sắp tới?

Trong đêm “Hành trình 45 năm cùng Saxopne”, lần đầu tiên tôi sử dụng cây kèn Sopranino Sax độc nhất vô nhị tại Việt Nam, biểu diễn các bản nhạc như: “Đêm đông”, “Một mình” của cố GS. NSND, nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương và nhạc sỹ Thanh Tùng... Đây là cây kèn khó chơi và kén người nghe, trên thế giới rất ít nghệ sĩ sử dụng.

Đặc biệt, bản nhạc “Một mình” tôi biểu diễn cùng một học sinh bị khiếm thị và một học sinh bị bệnh tự kỷ (đang theo học môn Saxophone tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội). Tiết mục này chỉ có duy nhất tiếng kèn Saxophone vang lên trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội mà không có bất cứ một âm thanh nào hỗ trợ hoặc đệm cho bản nhạc. Gần như là tự sự Saxophone.

Tại đêm diễn này, lần đầu tiên khán thính giả yêu âm nhạc sẽ được thưởng thức âm nhạc qua các hình thức biểu diễu là Ngũ tấu, Thất tấu và hợp tấu kèn Saxophone. Chương trình sẽ được mở màn hoàng tráng với bản nhạc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với dàn kèn Saxophone gần 40 cây kèn là các học sinh, học viên của nhà giáo Phan Anh Dũng đến từ các địa phương TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Lao Cai, Phú Thọ, Huế… đại diện cho các thế hệ học sinh của tôi hiện đang làm việc trên toàn quốc và tại các nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc….

Chúc mừng anh, chúc đêm nhạc thành công!

PV

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 220
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 217
 
  •   Hôm nay 68,585
  •   Tháng hiện tại 1,060,168
  •   Tổng lượt truy cập 127,452,372