NSND Thu Hiền kể kỷ niệm “vừa hát vừa khóc” khi hát về Bác

Chủ nhật - 19/05/2019 12:30
NSND Thu Hiền kể kỷ niệm “vừa hát vừa khóc” khi hát về Bác NSND Thu Hiền kể kỷ niệm “vừa hát vừa khóc” khi hát về Bác

Dân trí Trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước cùng hướng về ngày sinh nhật Bác Hồ thì NSND Thu Hiền và NSƯT Đăng Dương cũng xúc cảm mãnh liệt khi nhớ về những lần hát ca khúc về Bác.

NSND Thu Hiền khóc nức nở khi nghe ca khúc về Bác

NSND Thu Hiền chia sẻ, không chỉ riêng bà mà với tất cả các nghệ sĩ, tháng 5 là tháng của sự linh thiêng và rung cảm. Bởi đó là tháng mà những người nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cách mạng sẽ được hát nhiều ca khúc ngợi ca và tưởng nhớ Bác Hồ. NSND Thu Hiền tiết lộ, bà còn sáng tác một bài thơ về Bác khi nghe tin Bác mất.

NSND Thu Hiền kể kỷ niệm “vừa hát vừa khóc” khi hát về Bác 1

NSND Thu Hiền.

“Khi nghe tin Bác mất, tôi đang ở rừng. Tôi xúc động nên đã làm một bài thơ. Đó là bài thơ duy nhất trong cuộc đời của tôi. Bài thơ khá dài nhưng tôi nhớ nhất 4 câu: “Kìa dải băng đen đã quấn quanh cờ/ Con chết lặng với bao hàng nước mắt/ 31 triệu chúng con xin xiết chặt/ Biến đau thương thành sức mạnh thần kỳ …”, nữ nghệ sĩ kể.

Theo NSND Thu Hiền, lần đầu tiên bà được nghe ca khúc về Bác Hồ chính là ngày Bác mất, năm 1969. Lúc ấy bà đang trong tuyến lửa Vĩnh Linh, đường 9 - Nam Lào và được nghe hát bài “Trông cây lại nhớ đến Người” do nghệ sĩ Song Thao thể hiện cùng bài “Người là niềm tin tất thắng” do nghệ sĩ Bích Liên hát.

“Nghe tin Bác mất đã khóc rồi, nhưng nghe bài hát đó càng thêm nức nở. Từ đó tôi yêu những giai điệu về Bác. Và ca khúc đầu tiên tôi hát về Bác cũng chính là “Trông cây lại nhớ đến Người”.

Tôi “bắt chước” chị Song Thao nhưng có một điểm đặc biệt là tôi được hát trực tiếp cho các chiến sĩ, những người lính hát ở chiến trường nghe chứ không phải qua phát thanh. Và ở mảnh đất Quảng Trị đầy khói lửa, lúc ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời năm 1972 tại Đông Hà, tôi đã hát ca khúc này. Hát về Bác đã trở thành cái duyên đối với tôi, mặc dù tôi chưa một lần được gặp Bác.

Vì những năm tháng bom đạn thiếu thốn nên năm 2007 nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tôi ra riêng một album tuyển tập ca khúc về Người. Mở đầu album là “Từ làng sen”, kết là “Bài ca dâng Bác”. Tôi rất tự hào vì mình còn sức để cống hiến cho đất nước, truyền lửa cho thế hệ trẻ”, NSND Thu Hiền chia sẻ thêm.

Theo NSND Thu Hiền, ca khúc về Bác trải dài qua nhiều vùng miền, nhiều giai đoạn và ứng với nhiều phong cách âm nhạc. Đặc điểm chung của các ca khúc đó về Bác là các nhạc sĩ cũng thường lấy chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, quê hương của Người, nên giai điệu ngọt ngào và cảm xúc sâu lắng.

"Người về thăm quê" do NSND Thu Hiền thể hiện

Đó là các ca khúc không chỉ được tạo nên bằng lời ca, điệu nhạc mà bằng tất cả trái tim. Vì vậy, thể hiện các ca khúc này người hát không thể điệu đàng hay phô diễn kỹ thuật. Với bà, mỗi khi hát về Bác, điều đầu tiên là thể hiện sự tôn kính. Và bà cũng tìm ra những nét khác nhau để thể hiện cho phù hợp với tinh thần mỗi ca khúc.

“Cách đây hơn 20 năm, tôi không thể nào quên lần hát ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn ở hội trường Ba Đình. Tôi đứng trên sân khấu vừa hát, vừa khóc, còn con gái múa minh họa. Dưới khán phòng, mọi người cũng rơi nước mắt. Chính tấm lòng trân trọng và thương nhớ Bác Hồ đã khiến mọi người chung tình cảm xúc động như thế”, NSND Thu Hiền tâm sự.

NSƯT Đăng Dương nhớ mãi kỷ niệm hát trên quê nội Bác Hồ

Hơn 20 năm gắn bó với dòng nhạc cách mạng, NSƯT Đăng Dương cho rằng chỉ có những xúc cảm chân thật mới mang đến cho người nghệ sĩ động lực để thăng hoa và hát hay nhất.

Không còn nhớ đã từng đứng trên bao nhiêu sân khấu, hát bao nhiêu ca khúc về vị cha già dân tộc nhưng với Đăng Dương, hát về Bác khi nào cũng vậy, luôn là những xúc cảm và niềm tôn kính thiêng liêng.

NSND Thu Hiền kể kỷ niệm “vừa hát vừa khóc” khi hát về Bác 2

NSƯT Đăng Dương.

“Có lẽ vì dòng nhạc mà tôi theo đuổi nên nhiều chương trình ca nhạc cách mạng, ngợi ca Đảng, Bác Hồ đều nhớ đến giọng hát Đăng Dương. Đó là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được của mỗi nghệ sĩ, cũng là áp lực luôn phải cố gắng để không lặp lại chính mình mỗi lần cất lên những giai điệu đi cùng năm tháng...”, NSƯT Đăng Dương chia sẻ.

Trên con đường ca hát của mình, Đăng Dương đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm khi hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi được hàng ngàn khán giả dành tặng những tình cảm yêu thương.

Anh kể chuyện, trong một chương trình biểu diễn gần đây tại quê nội của Bác Hồ, anh đã hát với một cảm xúc rất khác.

“Đó là một chương trình biểu diễn ngoài trời, trong một không gian rộng mở thân thương, nơi mỗi con đường, góc sân, khoảng trời đều gợi nhớ về Người. Tôi yêu cảm xúc khi được đi trên những con đường quê hương Bác, được bước chân vào ngôi nhà đơn sơ, giản dị mà ấm áp, nơi đã gắn với tuổi thơ của Người.

Những trải nghiệm gần gũi đó đã mang đến cho tôi vô vàn cảm xúc, để cho tôi có thể cất lên tiếng hát từ tận đáy tim mình. Rung cảm và rất khác so với khi hát trên những sân khấu lớn, lung linh ánh đèn...”, NSƯT Đăng Dương chia sẻ.

Giọng hát truyền cảm, sâu lắng của những bản nhạc cách mạng cũng bộc bạch, phải có những trải nghiệm thực tế, được đến với những địa danh lịch sử, những di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ thì người nghệ sĩ mới có thêm nhiều xúc cảm chân thành để có thể hát hay nhất, tràn đầy yêu thương nhất.

"Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" - NSUT Đăng Dương

Với NSƯT Đăng Dương, kỷ niệm khi được cất lên những giai điệu ngọt ngào trong “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ngay trên vùng đất cách mạng Cao Bằng, nơi có hang Cốc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, địa điểm Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng sau khi từ Trung Quốc về nước năm 1941 luôn mang lại sự rung động, truyền cảm. Điều đó cũng rất khác khi ca khúc được hát trên những sân khấu mang tính tái hiện khác.

Ca sĩ Đăng Dương cũng cho hay, trong những ngày tháng 5 lịch sử anh luôn nhận được rất nhiều lời mời tham gia các chương trình âm nhạc có chủ đề về Bác Hồ. Năm 2019 cũng là một dấu mốc đặc biệt, cả đất nước cùng nhìn lại nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Người.

“Mỗi lần nhận được lời mời tham gia các chương trình âm nhạc gắn liền với con đường nghệ thuật mình đã theo đuổi bấy lâu, trong tôi lại trào dâng nhiều xúc cảm. Khi NSƯT Quốc Hưng mời tôi tham gia đêm nhạc “Quà tháng 5 dâng Người” do Báo Văn hóa tổ chức, tôi đã hào hứng nhận lời ngay.

Như bao năm qua tôi đã hát, thật hạnh phúc khi một lần nữa được đứng trên một sân khấu đặc biệt mà những người tổ chức đã tâm niệm như một món quà tôn kính dâng tặng lên Người. Tôi sẽ góp phần cùng ê-kíp thực hiện chương trình làm nên một đêm nhạc sâu lắng, mộc mạc mà ngọt ngào, tinh tế như chính lối sống giản dị mà vô cùng vĩ đại của Bác Hồ”, NSƯT Đăng Dương chia sẻ.

Nghệ sĩ Đăng Dương cũng cho biết, anh sẽ hát hai ca khúc trong chương trình “Quà tháng 5 dâng Người”: “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi và “Tiếng hát thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Cao Việt Bách.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 437
  •   Máy chủ tìm kiếm 138
  •   Khách viếng thăm 299
 
  •   Hôm nay 45,746
  •   Tháng hiện tại 1,037,329
  •   Tổng lượt truy cập 127,429,533