Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Hốt bạc nhờ “văn hóa tự sướng” ở Trung Quốc

Hốt bạc nhờ “văn hóa tự sướng” ở Trung Quốc
Dân trí Sự xuất hiện của điện thoại thông minh và các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh đã “thổi bùng” cơn sốt chụp hình “tự sướng” của giới trẻ Trung Quốc và giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân hốt bạc nhờ những bức ảnh đẹp đẽ, khác xa đời thực.

Hốt bạc nhờ “văn hóa tự sướng” ở Trung Quốc 1

Khuôn mặt của một cô gái trước và sau khi sử dụng phần mềm sửa ảnh (Ảnh minh họa: SCMP)

HoneyCC, tên thật là Lin Chuchu, là một trong những ngôi sao nổi tiếng trên ứng dụng chia sẻ video hàng đầu Trung Quốc hiện nay, Meipai. Ra mắt lần đầu vào năm 2014, Meipai hiện là một trong những nền tảng video lớn nhất Trung Quốc với 8 tỉ lượt xem mỗi tháng. Những đoạn video của HoneyCC, thường kéo dài từ 15 giây tới 5 phút, ghi lại cảnh cô “hát nhép” theo những bài hát nổi tiếng, nhảy một vài đoạn nhạc, hướng dẫn trang điểm, lựa chọn quần áo.

Sở hữu hàng triệu người theo dõi, HoneyCC nhận được vô số hợp đồng mời quảng cáo. Thậm chí những hãng hàng hiệu hàng đầu như Givenchy hay Channel cũng hợp tác với cô. Ngoài ra, HoneyCC còn sở hữu cửa hàng thương mại điện tử chuyên bán mĩ phẩm và quần áo. Có lần, sau khi đăng tải một đoạn video nhảy múa lên Meipai, cô đã nhanh chóng bán được 30.000 chiếc quần giống như chiếc cô mặc trong video.

Ứng dụng mà HoneyCC đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của Meitu. Năm 2008, công ty này ra mắt sản phẩm ứng dụng chỉnh sửa ảnh đầu tiên cùng tên và tạo nên tiếng vang lớn. Sau đó, họ lần lượt ra mắt các ứng dụng “sống ảo” khác như BeautyPlus, BeautyCam và SelfieCity. Các ứng dụng này có tác dụng làm da trở nên trắng sáng không tì vết, mắt tròn và to hơn cũng như loại bỏ các khuyết điểm trên mặt.

Hơn 1 tỷ điện thoại đã cài đặt những ứng dụng này, phần lớn ở châu Á và Trung Quốc, nhưng “cơn sốt” dường như cũng dần lan sang các nước phương Tây. Công ty này thậm chí còn sản xuất dòng điện thoại riêng chuyên phục vụ cho việc tự sướng. Điện thoại này sẽ được trang bị camera đặc biệt giúp hình ảnh sống động, cùng hệ thống phần mềm chỉnh sửa ảnh cài đặt bên trong. Doanh số bán điện thoại chiếm 93% tổng doanh thu của Meitu. Hiện công ty này được định giá vào khoảng 6 tỷ USD.

Trên toàn cầu, người dùng của Meitu chụp khoảng 6 tỷ bức ảnh mỗi tháng. Có một ước tính cho thấy hơn 1 nửa trong số những bức ảnh được đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc được chỉnh sửa bằng các phần mềm của Meitu.

HoneyCC cho rằng người trẻ Trung Quốc hiện giờ không thể chia sẻ ảnh lên mạng xã hội mà chưa qua chỉnh sửa. Cô cho rằng “tự sướng” giờ đã trở thành một nét văn hóa tại Trung Quốc và Meitu là trợ thủ đắc lực giúp cho những người này tự tin hơn khi tham gia các cộng đồng mạng xã hội.

Meitu cũng giúp sức tạo nên một nhóm người nổi tiếng trên mạng được gọi với cái tên "wang hong lian" (tạm dịch: gương mặt ngôi sao mạng Internet). Hàng năm Meitu đều tổ chức những buổi gặp gỡ với những thành viên nổi tiếng của wang hong lian, những người đã có tiếng vang trong cộng đồng hoặc trở thành đại sứ thương hiệu. Họ gặp gỡ và chia sẻ bí quyết thành công với những người đang muốn bước chân vào nhóm người nổi tiếng.

Sự phát triển của Meitu mạnh mẽ đến mức, người ta còn biến nó thành một động từ, ám chỉ việc chỉnh sửa ảnh “sống ảo”.

Nỗi ám ảnh về diện mạo

Hốt bạc nhờ “văn hóa tự sướng” ở Trung Quốc 2
Chụp hình "tự sướng" đã trở thành trào lưu tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty)

Chen Xiaojie, 27 tuổi, hào hứng “khoe” chiếc điện thoại với hàng loạt ứng dụng chỉnh sửa ảnh. Những người như Chen có những bí kíp riêng biệt để tạo ra những góc mặt đẹp nhất, chọn ánh sáng, màu da để cho ra những bức ảnh khác xa với “nguyên mẫu”. Thậm chí, các ứng dụng này còn có khả năng thu nhỏ phần eo, kéo dài cơ thể, tự động trang điểm cho gương mặt mộc với hàng loạt các loại mĩ phẩm “ảo”.

Một khảo sát nhanh cho thấy, trung bình giới trẻ Trung Quốc sẽ mất khoảng 40 phút nếu nhanh và hơn 1 giờ nếu lâu để cho ra đời một bức ảnh ưng ý. Công cuộc chỉnh ảnh sẽ đòi hỏi một nỗ lực không ngừng nghỉ với sự kết hợp của nhiều hơn 2 ứng dụng. Họ sẽ không bao giờ đăng ảnh lên khi chưa được chỉnh sửa đẹp.

Có nhiều ý kiến cho rằng Meitu đã làm thay đổi cách giới trẻ Trung Quốc nhìn nhận về cái đẹp. Tuy nhiên, đại diện của Meitu cho rằng quan điểm về vẻ đẹp trắng trẻo, mắt to của Trung Quốc đã có từ lâu nay và họ chỉ đơn giản là giúp những người trẻ hiện thực hóa ước mơ “làm đẹp”.

SCMP cho rằng sự bùng nổ của Meitu cho thấy một thực trạng ở giới trẻ Trung Quốc. Giáo sư Wu Guanjun của Đại học Thượng Hải cho rằng, thế hệ hiện tại dường như đang tìm cách trốn chạy khỏi hiện thực. Họ đắm chìm trong văn hóa “người nổi tiếng” và nỗi ám ảnh về diện mạo. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc từ trước tới nay luôn ca ngợi vẻ đẹp nội tâm, nhưng ở thời nay, khi xã hội đầy cạnh tranh thì vẻ đẹp bên ngoài lại trở thành thứ mà mọi người khát khao được sở hữu nhiều hơn cả.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí