Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Hàng trăm người chết trên toàn cầu vì tin đồn thất thiệt về Covid-19

Hàng trăm người chết trên toàn cầu vì tin đồn thất thiệt về Covid-19
Dân trí Những thông tin đồn đoán thiếu cơ sở khoa học tràn lên trên mạng internet về các phương thuốc chữa hoặc phòng chống Covid-19 đã khiến nhiều người phải trả giá đắt, thậm chí bằng mạng sống.
Hàng trăm người chết trên toàn cầu vì tin đồn thất thiệt về Covid-19 1

Trong thời gian qua, mạng internet xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, gây nguy hiểm liên quan tới Covid-19 (Ảnh minh họa: IBT Times)

Theo AFP, thế giới đang đối mặt với nhiều thác thức từ đại dịch Covid-19 khi hiện đã có hơn nửa tỷ người nhiễm virus corona và số người chết vì dịch lên tới gần 24.000. Trong lúc này, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật tràn lan hiện được xem là một trong những vấn đề đáng báo động.

Hậu quả của tin giả có thể là mạng người. Tại Iran, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh, khoảng 210 người đã tử vong vì ngộ độc rượu sau khi trên mạng internet nước này rộ lên tin đồn rằng rượu có thể phòng hoặc chữa Covid-19.

Theo AFP, trên mạng internet thậm chí còn lan truyền những tin đồn nhảm, sai sự thật về phương thuốc chữa Covid-19 như uống tro núi lửa, chiếu đèn tia UV hay uống chất khử trùng làm từ clo. Những phương pháp này có thể gây ra nguy hiểm tới sức khỏe con người nếu bị sử dụng bừa bãi, không đúng cách.

Một trong những “phương thuốc” diệt virus SARS-CoV-2 lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua chính là uống keo bạc, một loại dung dịch chứa bạc nguyên chất bên trong.

“Tôi đang làm keo bạc. Tôi bị hen suyễn và nó thực sự hiệu quả. Tôi rất căng thẳng vì virus. Liệu nó có hiệu quả nếu tôi uống một thìa dung dịch này mỗi ngày không”, AFP dẫn một bài đăng của một cư dân mạng tên là Michelle trên một nhóm Facebook.

Tác dụng phụ của việc uống keo bạc có thể bao gồm da bị đổi màu xám xanh và khả năng hấp thụ thuốc kém đi, bao gồm cả kháng sinh, theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, mọi người vẫn bỏ ngoài tai những cảnh báo này. Một người đàn ông Australia nói rằng dung dịch trên đã “cháy hàng” ở nơi ông sinh sống dù trước khi virus xuất hiện, ông có thể mua được được nó bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, theo AFP, dùng ma túy và thuốc tẩy trị Covid-19 cũng là hai trong hàng loạt những tin đồn thất thiệt lan tràn trên mạng xã hội. “Không, á phiện không bảo vệ con người khỏi Covid-19”, chính phủ Pháp viết trên Twitter.

Rủi ro từ những giả thuyết chưa được chứng minh

Sự lan truyền thông tin nhanh chóng trên mạng đôi khi khiến cho những thảo luận chưa được khoa học chứng minh lan truyền và khiến cho nhiều người lo lắng, sợ hãi và có những hành động gây ra rủi ro không cần thiết.

Ví dụ, gần đây xuất hiện một số giả thuyết được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu khoa học về việc liệu một số loại thuốc trợ tim có thể làm gia tăng khả năng bị biến chứng nặng hơn nếu mắc Covid-19 hay không.

Sự lo lắng đã dâng lên cao tới mức các quan chức y tế tại châu Âu và Mỹ đã lên tiếng khuyến cáo bệnh nhân rằng họ nên tiếp tục sử dụng thuốc vì nếu ngưng sử dụng, rủi ro tử vong vì bệnh tim đôi khi còn cao hơn biến chứng khi mắc Covid-19. Hơn nữa, các thông tin dưới dạng giả thuyết vốn chưa được khoa học chứng minh mà chỉ đang dừng lại ở dạng nghi vấn và dựa trên “một số yếu tố gây tranh cãi”.

Gần đây nhất, một người đàn ông ở Mỹ đã tử vong còn vợ ông rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi uống chloroquine, hóa chất có phiên bản dược phẩm là thuốc sốt rét.

Hiện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới đang xem xét khả năng sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị virus corona mới. Giới khoa học Mỹ cũng cảnh báo rằng bất cứ biện pháp điều trị mới nào cũng phải được thử nghiệm cẩn thận để đảm bảo nó an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng nói trên dường như đã không tìm hiểu kỹ về thông tin và đã quyết định uống chloroquine phosphate. Đây vốn là hóa chất mà họ mua về để rửa bể cá nhưng họ đã quyết định uống nó khi mới chỉ nghe thông tin về việc thuốc sốt rét đang được nghiên cứu để đưa vào điều trị Covid-19.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí