Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Thứ trưởng Bộ Công an: "Điều tra viên nôn nóng nên bức cung nhục hình"

Thứ trưởng Bộ Công an: "Điều tra viên nôn nóng nên bức cung nhục hình"
Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội để "mổ xẻ" nguyên nhân các vụ án oan sai và xử lý trách nhiệm người liên quan.

Là người đầu tiên chất vấn, ông Đỗ Văn Đương nêu 5 vụ án nghi có dấu hiệu oan sai đang được dư luận quan tâm. "Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tuyên từ năm 2005 có oan hay không? Tại sao bị án có đơn thi hành án sớm tại sao đến nay hoãn thi hành án? Hình phạt tử hình về tội giết người với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng đã đúng chưa? Cùng tội hiếp dâm và giết người sao với Lê Bá Mai thì áp dụng án chung thân còn với Hàn Đức Long là tử hình", ông Đương nói.

Với đại diện VKSND, đại biểu Đương đặt câu hỏi: "Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan không phạm tội giết người đã nhiều năm mà chỉ khi có người ra đầu thú, Viện mới xem xét và ra kháng nghị đề nghị minh oan cho ông này?". Với vụ án Huỳnh Văn Nén, vị đại biểu nêu "từ năm 2000 đã có đơn tố cáo chỉ ra 2 người khác mới là thủ phạm nhưng sau hơn 10 năm mới có kháng nghị giám đốc thẩm".

Cùng vấn đề oan sai này, với trách nhiệm của Bộ Công an, ông Đương muốn có câu trả lời về việc: "Có việc bức cung, áp dụng nhục hình với những người trên như tố cáo của họ hay không? Quá trình điều tra các vụ án trên có những thiếu sót nào là cơ bản? Nhưng thiếu sót này ảnh hưởng thế nào đến tính chất khách quan của vụ án".

Sau ông Đương, bà Lê Thị Nga (Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp) trước khi nêu câu hỏi đã cho hay ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong thời gian qua nhưng nhận thấy "còn có sự đùn đẩy giữa các cơ quan tổ chức". Bà Nga chất vấn: "Vụ Nguyễn Thanh Chấn giờ giải quyết đến đâu? Nguyên nhân chậm trễ do đâu, giải pháp?".

Nữ đại biểu cũng nhắc tới vụ ông Phan Văn Lá ở Long An bị xử oan về tội Hủy hoại tài sản và mang thân phận bị can suốt 29 năm. "Khi yêu cầu thì bồi thường thì các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương không thống nhất. Tòa tối cao nói trường hợp này do cơ quan điều tra phải bồi thường… Dường như có sự đùn đẩy, trách nhiệm của chánh án đến đâu", bà chất vấn người đứng đầu ngành tòa án.

Bình tĩnh, điềm đạm trả lời, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay các vụ án được quan tâm này, nhiều cơ quan tố tụng vẫn đang phối hợp để giải quyết. "Mọi việc phải làm thận trọng để đảm bảo nếu oan thì kết luận là oan, nếu có tội thì kết quả cũng phải xác định rõ là không để lọt tội phạm", ông Bình nói.

Về vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án Bình cho hay đây là án truy xét nên việc thu thập chứng cứ khó khăn. Quá trình hỏi cung bị cáo lúc mới bị bắt có luật sư tham gia giám sát. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo đã nhận tội. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo cho rằng có "không phạm tội" nhưng chứng cứ đưa ra không rõ ràng, không làm thay đổi bản chất vụ án nên vẫn bị kết án tử hình.

"Bây giờ đặt ra vấn đề có oan hay không? Qua hồ sơ thì chưa cho thấy có căn cứ kháng nghị, dù có một số thiếu sót khi thu thập tài liệu chứng cứ. Khi có căn cứ để kháng nghị, chúng tôi sẽ xem xét", ông nói.

Về vụ án Lê Bá Mai và Hàn Đức Long, theo ông Bình mức án khác nhau là do cách áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Về việc bà Nga cho rằng có sự đùn đẩy "công an bảo tòa, tòa bảo viện" khi giải quyết bồi thường cho ông Phan Văn Lá, ông Bình cho rằng nếu có thì "cả ba cơ quan đều có lỗi với dân. Theo ông, trong vụ án này là "câu chuyện pháp lý" cần phải xem xét, cần phải có cơ quan trọng tài để xem trách nhiệm thuộc cơ quan nào. "Chúng tôi nghĩ phải sửa đổi luật bồi thường và xác định cơ quan trung tâm làm nhiệm vụ trọng tài, chẳng hạn là Bộ Tư pháp".

Ông Bình cho hay, việc bồi thường 10 năm đi tù oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn đang được thực hiện "quyết liệt". Nếu gia đình ông Chấn nộp tài liệu chứng minh xong sẽ giải quyết được ngay. Tòa tối cao đã nhiều lần có văn bản mời ông Chấn lên để thỏa thuận bồi thường.

Khi Chánh án Bình trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi cạnh chăm chú lắng nghe và liên tục gật đầu.

Chăm chú nghe phần trả lời của vị chánh án với chất vấn của mình, ngay khi ông Bình dừng lời, bà Nga đã nói ngay "vụ án Phan Văn Lá đã rõ ràng đã có đùn đẩy", chứ không phải là "nếu có". Với vụ Hồ Duy Hải, bà quan tâm và muốn có câu trả lời rõ ràng "việc kết tội có đủ căn cứ không?".

Bà cho hay là được phân công trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và giám sát nên đã trực tiếp vào trại gặp Hồ Duy Hải, cũng đã tiếp xúc với người thân của bị án này.... Và bà nhận thấy: "Chưa đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải". Là người nhiều năm nghiên cứu các quy định pháp luật, bà Nga cho hay đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót đối với bản án này. "Chúng tôi mong đồng chí xem xét trả lời, trước khi tử hình một con người thì xem xét kỹ".

Ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên chất vấn đã đề nghị Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương giải trình thêm về việc điều tra vụ án các vụ án này. Ông Vương cho hay, trước thông tin tố cáo có việc dùng nhục hình, cơ quan điều tra đi kiểm tra và thấy "có việc đó". Chẳng hạn vụ án Ngô Thanh Hiểu ở Phú Yên đã có 4-5 cán bộ công an bị xử lý.

Hiện qua xem xét 5 vụ án nổi cộm được đại biểu Đương nêu thì mới có vụ Nguyễn Thanh Chấn được kết luận là oan sai. "Vụ Huỳnh Văn Nén thì có người đã chết, có người trốn khỏi địa phương, có người chỉ nghe nói lại nên chúng tôi phải xem xét kỹ", ông Vương nói.

Theo ông Vương, Bộ Công an vừa nghe báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải và "tất cả vẫn cho thấy đây là thủ phạm". Ông Vương nhận thấy để xảy ra vấn đề của những vụ này là "chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách quan mà chủ yếu tập trung vào lời khai - trọng cung hơn trọng chứng cứ". Khâu thu lượm dấu vết hiện trường còn có thiếu sót. Và nguyên nhân nữa, ông Vương thẳng thắn thừa nhận là do "năng lực và trách nhiệm trong công tác điều tra". "Còn tâm trạng nôn nóng nên xảy ra bức cung nhục hình", Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Về vụ án Phan Văn Lá, ông cho rằng trách nhiệm giải quyết thuộc TAND huyện Châu Thành.

Bảo Hà

* Tiếp tục cập nhật.

Nguồn tin: vnexpress