Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Đề xuất nộp lệ phí sớm được xét kháng nghị trước

Đề xuất nộp lệ phí sớm được xét kháng nghị trước
Cho rằng quy định người nộp lệ phí sớm sẽ được giải quyết đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong 3 tháng thay vì 3 năm dễ gây hiểu nhầm “phân biệt giàu nghèo”, nhiều đại biểu đề nghị bỏ nội dung này khi thảo luận về dự án Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Ngày 5/3, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho hay nhiều quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không theo kịp nhu cầu của người dân vì thế cần sửa đổi, bổ sung. So với luật hiện hành dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi dự kiến sửa đổi 177 điều, giữ nguyên 223 điều, bổ sung 37 điều và bãi bỏ 10 điều.

Tại điều 313, dự thảo đề xuất thời hạn giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm căn cứ vào việc nộp tiền của đương sự. Theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nếu đương sự có đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực và nộp lệ phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí thì tòa án, VKS phải thụ lý giải quyết đơn đề nghị và đề nghị hoãn thi hành án. Tiếp đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày thụ lý, tòa, VKS phải mở phiên họp xét đơn của đương sự. Trong trường hợp đương sự nộp đơn đề nghị nhưng không nộp lệ phí (trừ trường hợp được miễn) thì việc xem xét giải quyết được thực hiện trong thời hạn 3 năm

TAND Tối cao cho rằng việc họ đưa quy định vào dự thảo nhằm gắn kết quyền và ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc nộp đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình giải thích thêm, việc thu lệ phí để tránh việc đâm đơn tràn lan. “Có nhiều trường hợp đưa đơn đề nghị kháng nghị chỉ để kéo dài thời gian hoãn thi hành án, còn được hay không được cũng không sao. Hiện, chúng ta có cơ chế xử lý đối với những người kiểu này”, ông Bình nêu thực trạng.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm lại quan ngại quy định này "khiến người dân hiểu nhầm là đang bị phân biệt giàu nghèo". Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cũng không tán thành việc thu lệ phí kháng nghị giám đốc thẩm.

“Nếu cho rằng bằng việc thu một khoản lệ phí, án phí mà hạn chế được một số đơn đề nghị kháng nghị là không thể", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng việc "mong giảm đơn là không thể". “Lệ phí chúng ta quy định được bao nhiêu? Hiện nay án phí chỉ khoảng 200.000 đồng. Giờ bảo vì mấy trăm nghìn đồng mà giảm đơn thì không được đâu”, ông nêu quan điểm.

Một quy định nữa trong dự thảo được nhiều đại  biểu quan tâm là đề xuất: VKS có thể thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án nên không cần thiết phải tham gia phiên xét xử sơ thẩm. Phó chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào giải thích, tại một số nước, VKS chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm với những trường hợp tranh chấp có liên quan đến tài sản nhà nước hoặc đương sự là người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Viện phó VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm nêu quan điểm cho rằng nếu không tham gia thì VKS không thực hiện được tốt quyền kiểm sát của mình. “Thực hiện tại phiên tòa là hiệu quả nhất chứ chỉ kiểm tra hồ sơ không phát hiện được hết hành vi vi phạm”, bà Khiêm nói và đề nghị giữ nguyên việc VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm như hiện hành.

Bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương) nói: “Chúng ta không nên tự làm khó mình. VKS có quyền tham gia bất cứ lúc nào trong giai đoạn giải quyết vụ án”.

Trong phiên họp này, nhiều đại biểu cũng đồng ý với đề xuất của dự thảo: Hội đồng thẩm phán tối cao có quyền sửa bản án sai phạm, xét xử phúc thẩm lần hai và xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao…

Bảo Hà

Nguồn tin: vnexpress