Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Cuôc chiến chống tội phạm - Kỳ 32: Nữ giám đốc và những cú lừa ngoạn mục

Cuôc chiến chống tội phạm - Kỳ 32: Nữ giám đốc và những cú lừa ngoạn mục
Lê Thị Kim Quyên, giám đốc một công ty tại TP.HCM, kết hợp với một nhóm người nước ngoài thực hiện những vụ lừa đảo ngoạn mục để chiếm đoạt tài sản.
Lê Thị Kim Quyên, giám đốc một công ty tại TP.HCM, kết hợp với một nhóm người nước ngoài thực hiện những vụ lừa đảo ngoạn mục để chiếm đoạt tài sản.
 
Cuôc chiến chống tội phạm - Kỳ 32: Nữ giám đốc và những cú lừa ngoạn mục 1
Nnadikwe Christian Sunday, Deke Collins và Lê Thị Kim Quyên (từ trái qua) - Ảnh: Công an tỉnh Khánh Hòa cung cấp
Dự kiến ngày 30.3, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử Lê Thị Kim Quyên cùng hai người nước ngoài là Nnadikwe Christian Sunday và Deke Collins về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đột nhập email doanh nghiệp
Theo cáo trạng, đầu năm 2013 Lê Thị Kim Quyên (35 tuổi, ngụ xã Trung Ngãi, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đến TP.HCM mưu sinh, sống chung với Mamado Abdallar Mark (39 tuổi, quốc tịch Nigeria). Quyên thành lập và làm Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Lê Quyên (gọi tắt Công ty Lê Quyên, đặt tại P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM). Lập công ty xong, Quyên cùng Mark và một số người Nigeria lên kế hoạch đánh cắp thông tin giao dịch của các doanh nghiệp VN làm ăn với các đối tác nước ngoài để chiếm đoạt tài sản.
Tháng 6.2013, Công ty K. (ở TP.Nha Trang) hợp đồng bán 13 tấn thủy sản, trị giá 121.100 USD, cho Công ty S. có chi nhánh tại Thái Lan. Ngày 3.8.2013, Công ty K. chuyển hàng cho đối tác, nhưng sau đó không thấy tiền vào tài khoản theo như hợp đồng ký kết nên yêu cầu Công ty S. kiểm tra. Lập tức, Công ty S. gửi email trả lời kèm địa chỉ email từ hộp thư điện tử của Công ty K. với nội dung yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Lê Quyên. Lúc này, Công ty K. mới biết bị những kẻ lừa đảo đột nhập email để gửi thư cho Công ty S.
Chưa hết, ngày 9.8.2013, Công ty V. (Q.10, TP.HCM) ký hợp đồng bán cho một công ty ở Myanmar 32.379 kg ống thép, trị giá 178.250 USD, trả tiền đặt cọc qua tài khoản là 28.250 USD. Cùng ngày, Mark và đồng phạm đột nhập email giám đốc Công ty V., liên lạc với đại diện của bên mua yêu cầu chuyển số tiền đặt cọc vào tài khoản của Công ty Lê Quyên.
“Quà tặng giá trị”
Không chỉ lừa đảo các doanh nghiệp, Quyên và nhóm người nước ngoài còn thực hiện những phi vụ lừa cá nhân. Tháng 4.2013 chị B. (dược sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn) quen qua mạng với một người tự xưng là William Coulter, quốc tịch Anh. Coulter nói anh ta có gửi cho chị B. món quà giá trị lớn (gồm 1 nhẫn trị giá 8.000 USD, 1 lọ nước hoa và 25.000 bảng Anh). Sau đó, Quyên tự xưng là người của công ty dịch vụ chuyển quà, yêu cầu chị B. chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Lê Quyên. Lần đầu Quyên yêu cầu chị B. chuyển hơn 16,8 triệu đồng để nộp thuế; lần 2 chuyển hơn 53,1 triệu đồng để nộp phạt vì trong gói quà có ngoại tệ và kim loại quý; lần 3 chuyển 15 triệu đồng để “lo lót” cho hải quan sân bay. Sau khi nhận được các khoản tiền trên, Quyên lại gọi điện yêu cầu chị B. trực tiếp vào TP.HCM để nhận hàng.
Tại TP.HCM, Quyên đưa chị B. số điện thoại của một người đàn ông nước ngoài. Sau đó, người đàn ông nhắn tin chị B. đến một khách sạn và anh ta giới thiệu tên Johny, đại diện của Coulter. Khi Johny yêu cầu đưa 4.700 USD để mua hóa chất rửa tiền thì chị B. biết mình bị lừa.
Tương tự, đầu tháng 6.2013, chị V. (ngụ đường Hùng Vương, TP.Nha Trang) lên mạng quen một người tự xưng là Austin Feric, quốc tịch Anh. Tháng 8.2013, Austin Feric nói có gửi cho chị V. món quà gồm 1 laptop, 1 điện thoại, 1 đồng hồ đeo tay, 1 bó hoa ép khô và dặn sẽ có người liên hệ giao quà. Một tuần sau, Quyên xưng là người của công ty dịch vụ chuyển quà, yêu cầu chị V. chuyển hai lần, tổng cộng 76 triệu đồng vào tài khoản của Công ty Lê Quyên, với lý do đóng thuế...
Ngày 24.9.2013, Công an tỉnh Khánh Hòa nhận được đơn của Công ty K. tố cáo Quyên và đã nhanh chóng vào cuộc. Khi bị bắt, Quyên và các đồng phạm vẫn ngoan cố cự cãi, đến lúc công an trưng ra các chứng cứ thì mới cúi đầu nhận tội.
Nhóm Quyên khai, khi lấy được thông tin trong các email trao đổi giữa hai công ty K. và S., chúng mạo danh Công ty K. hướng dẫn Công ty S. chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Lê Quyên. Sau đó, Mark và Quyên đến ngân hàng nhận tiền, chia 121.100 USD theo tỷ lệ: Quyên và Mark 20%, Nnadikwe Christian Sunday 5%, Deke Collins 5% và 70% còn lại được Deke Collins chuyển cho một người Nigeria, sống ở Malaysia.
Cơ quan điều tra xác định người mạo danh Coulter, Austin Feric và Johny là Mamado Abdallar Mark, nhưng Mark đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã Mamado Abdallar Mark.
Theo đại tá Trương Vinh Quang, Trưởng phòng An ninh điều tra (PA92) Công an Khánh Hòa, người trực tiếp vào TP.HCM tham gia phá án, đây là vụ án phức tạp, nhóm tội phạm là người VN và Nigeria móc nối với nhau, với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. “Vụ án cũng là lời cảnh báo để các doanh nghiệp, người dân cảnh giác hơn khi giao dịch qua thư điện tử, kết bạn qua mạng xã hội”, đại tá Quang nói.

Nguyễn Chung

>> Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 31: Truy bắt giang hồ đất mỏ
>> Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 30: Truy bắt 'chuyên gia' trốn trại
>> Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 29: Cuộc truy sát trong đêm
>> Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 28: Phá băng cướp giả danh cảnh sát hình sự
>> Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 27: Nữ quái chuyên 'gây mê' người già

Nguồn tin: Thanh Niên