Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma"

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma"
Có thứ gì đó đang biến các khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành thứ giới khoa học gọi là "rừng ma". Một cái chết âm thầm và êm ái.

Nhìn vào bản đồ thế giới trên Google Maps, nếu bạn chấm ngón tay vào chính giữa bờ đông nước Mỹ, phần tiếp giáp với Đại Tây Dương, rồi zoom nó lên, đó chính là tiểu bang North Carolina. Zoom thêm một chút nữa ra bên ngoài bờ lục địa, một vành đai của một chuỗi đảo mỏng manh và những con đường xuyên biển sẽ hiện ra.

Người Mỹ gọi chúng là Outer Banks và chúng có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian.

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma" 1
Đi sâu vào đất liền khoảng chừng 50km, bạn sẽ bắt gặp những khu rừng đang chết ở Outer Banks.

Chuỗi đảo và bãi nhô này chính là lá chắn duy nhất đang bảo vệ lục địa và nước Mỹ khỏi những cơn bão đầy thịnh nộ đến từ Đại Tây Dương. Nhưng mặt khác, trên đó cũng có rất nhiều địa điểm du lịch tuyệt vời cho những ngày biển lặng, những khi chỉ có ánh nắng chan hòa chiếu xuống các bãi biển đầy sóng vỗ.

Người Mỹ sẽ đến đó, họ ngồi trên những ban công homestay đua ra bãi cát bằng gỗ, xây theo phong cách vintage. Những cô gái có thể trải một tấm thảm trên đó và bắt đầu tắm nắng. Trẻ con thì chơi đùa, và những chàng trai thì luôn hào hứng với trò dù lượn.

***

Nhưng đó là câu chuyện của Outer Banks, chỉ cần đi sâu vào đất liền khoảng chừng 50 km, bạn sẽ bắt gặp những khu rừng đang chết khắp dọc duyên hải Bắc Carolina. Ở đó, Emily Ury, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh thái học tại Đại học Duke Hoa Kỳ, đang phải lội qua những con đường mòn.

Nước ngập thường sẽ rút đi, nhưng mấy năm nay chúng không rút đi nữa. Đường mòn bị ngập đến đầu gối và các nhà khoa học đã xác định đó là tình trạng ngập vĩnh viễn. Ury một mình băng qua đó, trong những khu rừng chỉ có cây cối còi cọc mọc trong nước. Một phần của chúng đã chết.

Giống như mọi sinh vật khác trên Trái Đất, cây cối cũng sẽ chết. Nhưng những cái chết của rừng diễn ở đây không bình thường. Từng mảng rừng lớn đã chết mòn mà cây non không thể phát triển để thay thế chúng.

Không chỉ là vấn đề của riêng Corolina, nước mặn cũng đang làm tăng nồng độ muối trong các khu rừng ven biển từ Maine đến Florida, dọc theo duyên hải toàn bờ đông nước Mỹ. Những vạt rừng rộng lớn liền kề cũng đang chết. 

Có thứ gì đó đang biến chúng thành các khu rừng mà giới khoa học gọi là "rừng ma". Một cái chết âm thầm và êm ái.

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma" 2
Có thứ gì đó đang biến các khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành thứ giới khoa học gọi là "rừng ma". Một cái chết âm thầm và êm ái.

Muối

Những trận lụt không rút nước ở duyên hải Carolina là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan nước Mỹ dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Nó đã đe dọa đến động vật hoang dã, hệ sinh thái, các trang trại và cả các doanh nghiệp sống dựa vào rừng ở địa phương.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu không chỉ đang làm cho các vùng đất tích nước hơn mà cũng khiến chúng mặn hơn. Đó là một vấn đề không chỉ xảy ra ở nước Mỹ, mà còn là ở mọi quốc gia ven biển trên thế giới.

Năm 2016, Emily Ury bắt đầu làm việc tại một vùng đất ngập nước có rừng ở Bắc Carolina để nghiên cứu ảnh hưởng của muối đối với cây trồng và đất ở đó. Cứ sau vài tháng, cô lại đeo vào chân những đôi ủng lội nước cao su hạng nặng và mặc một chiếc áo lưới bảo vệ côn trùng để đi vào Khu bảo tồn Quốc Gia sông Alligator. 

Đoàn nghiên cứu mang theo khoảng 45kg muối. Họ chọn một khu vực có kích thước bằng mặt sân tennis và bắt đầu rải muối lên đất mỗi tháng, bắt chước kịch bản nước biển dâng.

Sau hai năm nỗ lực ướp muối đất một cách đều đặn, Ury phát hiện lượng muối đó dường như không ảnh hưởng đến thực vật hoặc các quá trình diễn ra trong đất ở khu vực nghiên cứu. Rõ ràng sức mạnh của đại dương lớn hơn thế rất nhiều.

"Tôi nhận ra rằng thay vì chờ đợi muối thử nghiệm giết chết cây cối trong khu vực này một cách từ từ, có một câu hỏi cấp thiết hơn là có bao nhiêu cây đã chết, và bao nhiêu diện tích đất ngập nước dễ bị tổn thương", Ure nói. "Để tìm ra câu trả lời, tôi phải đến những địa điểm mà cây cối đã chết khô".

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma" 3
Emily Ury, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh thái học tại Đại học Duke Hoa Kỳ đang khảo sát một khu rừng đang chết chỉ còn lại cây bụi và cỏ chịu mặn.

Và thế là cô ấy đã đến bờ biển Bắc Carolina. Ở đó, nước mặn đang thấm vào đất ngập nước. Muối thấm hẳn vào các tầng nước ngầm, lợi dụng từng giai đoạn khi nước ngọt cạn kiệt giữa các đợt hạn hán. Nước mặn cũng di chuyển qua các kênh, rạch, xâm nhập vào đất liền với sự trợ giúp của gió và triều cường.

Ure thấy ở đây chỉ còn những vạt rừng khô với thân cây nhợt nhạt. Chúng đã trơ trụi lá, một dấu hiệu cho thấy nồng độ muối trong đất đã vượt quá giới hạn. Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà khoa học đã gọi chúng là "những bia mộ bằng gỗ".

Khi cây thân gỗ chết đi, rừng chỉ còn trơ lại khóm cây bụi nhỏ và cỏ chịu mặn. Những loài động vật hoang dã từng được nuôi dưỡng dưới tán rừng cũng biến mất, từ hươu, nai cho đến sói và chim gõ kiến đuôi đỏ, một loài quý hiếm sắp tuyệt chủng ở Mỹ.

Lượng carbon khổng lồ mà khu rừng đang cô lập cũng được trả lại. Do đó, biến đổi khí hậu đã giết chết rừng và rừng chết lại càng khiến biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ.

Những cánh rừng ma nhìn từ không gian

Để hiểu được quá trình chết của rừng đang diễn ra mạnh thế nào và ở đâu, Ury đã sử dụng Hệ thống quan sát Trái Đất của NASA. Kể từ năm 1972, vệ tinh Landsat của NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã liên tục chụp được những hình ảnh trên bề mặt Trái Đất, cho thấy sự thay đổi của hành tinh dưới cả tác động của thiên nhiên và con người.

"Chúng tôi đã sử dụng hình ảnh vệ tinh Landsat để định lượng những thay đổi trong thảm thực vật ven biển kể từ năm 1984, và tham khảo cả hình ảnh Google Earth có độ phân giải cao để phát hiện những khu rừng ma", Ury nói.

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma" 4
Hơn 10% diện tích đất ngập nước có rừng trong Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Sông Alligator đã biến mất trong 35 năm qua.

Phân tích máy tính đã giúp xác định các mảng cây chết trên toàn bộ bờ đông nước Mỹ. Nó thực sự là một cuộc khủng hoảng. 

"Chúng tôi nhận thấy hơn 10% diện tích đất ngập nước có rừng trong Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Sông Alligator đã biến mất trong 35 năm qua. Đây là vùng đất được liên bang bảo vệ, không có hoạt động nào khác của con người có thể giết chết rừng ở đó", Ury nói.

Mực nước biển dâng nhanh dường như làm mất khả năng thích nghi của những khu rừng này khi chúng ngày càng ngập sâu hơn và mặn hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu như hạn hán và cuồng phong từ bão Đại Tây Dương đã làm xấu thêm tình hình.

Ury phát hiện ra một đợt hạn hán, cháy rừng và nước biển dâng do bão Irene vào tháng 8 năm 2011 đã khiến một mảng rừng lớn biến thành rừng ma vào năm 2012. Các tác động xảy ra âm thầm dưới con mắt của một người bình thường nhưng cực kỳ nhanh dưới góc độ lịch sử hành tinh.

Khoa học nên bảo vệ hay giúp rừng chuyển đổi?

Khi mực nước biển toàn cầu tiếp tục tăng, bất kỳ khu rừng ven biển nào khác trên thế giới cũng sẽ phải chịu chung số phận với những khu rừng ma tại Mỹ. Nó đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học và người làm công tác bảo tồn: Liệu chúng ta có thể bảo vệ được rừng hay không?

Ở Bắc Carolina, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên đang thực hiện một số phương án quản lý thích ứng, chẳng hạn như tạo "bờ biển sống" làm từ thực vật, cát và đá để làm vùng đệm tự nhiên chống lại nước biển dâng do bão.

Nhưng nghiên cứu của Ury thêm vào bằng chứng cho thấy dù duyên hải Carolina đã được thiên nhiên ưu ái dưới sự bảo vệ của lá chắn Outer Banks, nó vẫn không thể cưỡng lại sự ảnh hưởng của nước biển dâng.

Nhiều nhà khoa học vì vậy đang cân nhắc các phương pháp khác, ví dụ như chuyển đổi những khu rừng ma thành đầm lầy muối hoặc các cảnh quan ven biển khác.

Thứ gì đó đang giết chết cây cối, biến những khu rừng ở bờ đông nước Mỹ thành "rừng ma" 5
Những loài động vật hoang dã từng được nuôi dưỡng dưới tán rừng cũng biến mất, từ hươu, nai cho đến sói và chim gõ kiến đuôi đỏ, một loài quý hiếm sắp tuyệt chủng ở Mỹ.

Một cách tiếp cận triệt để hơn là đưa các loài thực vật đầm lầy chịu mặn vào các vùng rừng bị đe dọa. Tuy nhiên, chiến lược này đang gây tranh cãi vì nó đi ngược lại mong muốn cố gắng bảo tồn các hệ sinh thái của rừng ven biển. 

Nếu trồng thực vật đầm lầy, con người sẽ góp phần phá hủy phần còn lại của hệ sinh thái cũ.

Nhưng nếu rừng đang chết dần chết mòn thì việc có một đầm lầy muối là một kết quả tốt hơn nhiều so với một khu rừng ma hoặc một vùng nước mở. Mặc dù nước mở vốn dĩ không xấu, nhưng nó không mang lại nhiều lợi ích sinh thái mà đầm lầy muối mang lại.

Tranh cãi vẫn còn đang tiếp tục, trong khi các khu rừng ở bờ đông nước Mỹ tiếp tục chết. Ury cho biết: "Điều quan trọng là chúng ta phải có biện pháp quản lý chủ động. Mục đích là kéo dài tuổi thọ của các vùng đất ngập nước ven biển, cho phép chúng tiếp tục lưu trữ carbon".

Các khu rùng này cũng cung cấp môi trường sống, nâng cao chất lượng nước và bảo vệ đất nông nghiệp cũng như rừng sản xuất ở các vùng ven biển ở phía đông nước Mỹ. Vì vậy, rừng sống nghĩa là chúng ta còn sống, rừng chết thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ chết.

  • Đột phá trong nghiên cứu vải điện tử: Mở đường cho quần áo thông minh
  • Khối cầu chứa hàng trăm nghìn quả trứng mực dưới biển
  • Bọ lặn - Kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi cho những sinh vật bé nhỏ dưới nước

Nguồn tin: khoahoc.tv