Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Giáo dục y khoa của Việt Nam đang đứng ở đâu?

Giáo dục y khoa của Việt Nam đang đứng ở đâu?
Dự án Liên minh cải thiện chất lượng đào tạo y khoa và quản lý các bệnh mới nổi (IMPACT MED) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ vừa tổ chức Hội nghị Giáo dục Y khoa thường niên Việt Nam lần thứ nhất tại TP.HCM.

Sinh viên y khoa học... chay

200 triệu đồng mua bằng tiến sĩ y khoa: Bộ Y tế yêu cầu báo cáo

Bùng nổ học y khoa trực tuyến toàn cầu

Giáo dục y khoa của Việt Nam đang đứng ở đâu? 1

Đây là lần đầu tiên, một hội nghị quốc tế về giáo dục y khoa được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Trở thành người thầy thuốc thế kỷ 21”.

Hội nghị Giáo dục Y khoa lần thứ nhất này thu hút 300 nhà lãnh đạo giáo dục, sinh viên và giảng viên y khoa từ Việt Nam và trên toàn thế giới. Hội nghị mang tới cơ hội đặc biệt cho các nhà giáo dục và lãnh đạo từ các trường đại học y khoa tại Việt Nam để chia sẻ các ý tưởng đổi mới và những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục y khoa.

Hội nghị cũng khuyến khích thảo luận giữa các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục y khoa, khích lệ những sáng tạo hơn nữa và thúc đẩy cộng đồng các nhà giáo dục y khoa đầu tư vào việc phát triển giáo dục, nghiên cứu y khoa, cải thiện chất lượng và chăm sóc bệnh nhân.

Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực giáo dục y khoa và chăm sóc sức khoẻ đã thuyết trình các chủ đề bao gồm “Xu hướng giáo dục y khoa trên toàn thế giới thế kỷ 21”, “Đảm bảo chất lượng và kiểm định trong giáo dục y khoa” và “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ – những khó khăn, phức tạp và sự cần thiết”.

GS David Gordon, chủ tịch Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới (WFME) cho biết trong khi ở Thái Lan cứ 3 triệu người có một trường đại học y khoa, Philippines 2,5 triệu người, châu Âu 2 triệu người thì Việt Nam phải 7 triệu người mới có một đại học y khoa, điều này phản ánh phần nào mức độ chi tiêu y tế dành cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, để đáp ứng với tình hình mới, nhu cầu cấp bách trước mắt của giáo dục và đào tạo y khoa là hiện đại hoá hệ thống giáo dục y khoa quốc gia, bao gồm cập nhật chương trình giảng dạy bậc đại học và thay đổi cách tiếp cận giảng dạy và học tập để đào tạo ra những cán bộ y tế có đủ năng lực, những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân, đồng thời phải thích nghi và phản ứng với những thách thức hiện tại và mới nổi về y tế.

Hiện nay, lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đào tạo y khoa nói riêng trên thế giới đã và đang có nhiều sự đổi mới như phương pháp học và dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, tập trung vào năng lực của người học, áp dụng công nghệ tiên tiến trong học và dạy và đặc biệt là truyền cảm hứng và tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các em có thể học suốt đời.

“Trong khi chúng ta bắt đầu từng bước hội nhập với thế giới, hội thảo này sẽ là tiền đề để chúng ta đổi mới hệ thống giáo dục y khoa. Sự tham gia và thuyết trình của các giáo sư hàng đầu trên thế giới: Giáo sư David Gordon, Giáo sư Peter Ellis, Giáo sư Erik K. Alexander cùng rất nhiều các nhà giáo tới từ các trường Đại học y, dược trong cả nước trong hội thảo này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi nhằm cùng nhau đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa nước nhà”, Thứ trưởng Phúc nói.

IMPACT-MED được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam cùng với các trường đại học y dược tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp công nghệ, chương trình đào tạo và các kinh nghiệm chuyên môn.

Đội ngũ nhân viên y tế chất lượng cao, năng động, được đào tạo tốt là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững và cân bằng của Việt Nam.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hùng, Trường ĐH Y Dược Huế đã chia sẻ chương trình thử nghiệm về giáo dục sai sót y khoa tại ĐH Y Dược Huế.

Theo đó, các sinh viên sẽ thực hiện các case lâm sàng (ca lâm sàng) trên bệnh nhân ảo nhằm tạo ra những tình huống sinh viên phải đưa ra quyết định như trong thực tế.

Các sinh viên y khoa được động viên mắc sai sót để và rút ra nguyên nhân từ đó nắm vững chắc hơn những kỹ năng lý luận lâm sàng, kỹ năng đưa ra quyết định trước khi tiếp xúc với môi trường lâm sàn thật. Ngoài ra, chương trình cũng giúp sinh viên cảm nhận mình như một bác sĩ thật sự đang tìm cách chữa trị cho bệnh nhân.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM cho biết, hội nghị này sẽ được tổ chức thường niên trong 5 năm tới để các nhà giáo dục về y khoa của Việt Nam có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các chương trình mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo y khoa tại Việt Nam.

Đại diện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland nhấn mạnh, Chính phủ Hoa Kỳ rất tự hào được làm đối tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục y khoa và chăm sóc y tế. Hoa Kỳ cam kết giúp các tổ chức và các chuyên gia nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam và hỗ trợ mục tiêu này thông qua dự án Liên minh Nâng cao Chất lượng Đào tạo Y khoa và Quản lý các Bệnh mới nổi, hay còn gọi là Liên minh IMPACT-MED do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Nguồn tin: 24h