Tin giải trí khoa học

http://eneoia.com


Cuộc chiến mã hóa iPhone: Apple đang nghịch dao?

Cuộc chiến mã hóa iPhone: Apple đang nghịch dao?
Câu chuyện về quyền riêng tư, đặc biệt với dữ liệu lưu trên smartphone, một lần nữa hâm nóng giới công nghệ sau khi Apple từ chối hỗ trợ FBI giải mã chiếc iPhone nhằm phục vụ điều tra.
  • Mở khóa iPhone: Chiến thắng đầu tay cho Apple
  • iPhone thế hệ mới sẽ khó bị hack hơn
  • Các nhóm xã hội ủng hộ Apple chống lại FBI
  • Tin tặc phát hành phiên bản mới của ứng dụng bẻ khóa iPhone
  • Một cửa hậu cho iPhone: Liệu có khả thi?

Hôm 1/3, đại diện tập đoàn công nghệ Apple và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã có phiên điều trần trước Quốc hội nước này xoay quanh việc nhà sản xuất điện thoại iPhone thẳng thắn từ chối hỗ trợ FBI "bẻ khóa" để truy xuất dữ liệu bên trong chiếc iPhone 5C của một nghi phạm đã chết trong vụ xả súng làm thiệt mạng 14 người xảy ra hồi tháng 12/2015 ở thành phố San Bernardino, bang California.

Phát biểu trước tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Giám đốc FBI James Comey khẳng định nhiệm vụ thực thi pháp luật có thể bị cản trở bởi sự tồn tại của những giải pháp cũng như kỹ thuật công nghệ. 

Cuộc chiến mã hóa iPhone: Apple đang nghịch dao? 1
Ông Bruce Sewell - Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Luật sư trưởng của tập đoàn Apple tuyên thệ trước khi bắt đầu phiên điều trần hôm 1/3/2016 tại Quốc hội Mỹ.

Người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ thậm chí còn nói rằng một phán quyết cuối cùng của tòa án buộc Apple phải cung cấp dữ liệu từ chiếc điện thoại từng được sử dụng bởi một tay súng tham gia vụ nổ súng ở San Bernardino cho phía FBI có thể tạo ra "tiền lệ khả dĩ" cho những cuộc điều tra tương tự khi mà các cơ quan thực thi pháp luật cần yêu cầu sự hợp tác giống vụ việc lần này với Apple từ các công ty, hãng công nghệ.

"Đây là cách thức mà pháp luật vận hành", ông Comey nhấn mạnh.

Được biết, hôm 16/2, một tòa án cấp liên bang ở California đã ra trát yêu cầu Apple phải viết "một phần mềm đặc biệt" để mở khóa chiếc iPhone 5C của nghi can Rizwan Farook.

Theo ông Comey, phần mềm mà FBI đề nghị Apple viết cho chiếc iPhone của tay súng Farook sẽ không thể chạy được trên các mẫu iPhone khác. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Luật sư trưởng của tập đoàn Apple là ông Bruce Sewell lại cho rằng công cụ mà Apple được yêu cầu tạo ra sẽ có thể vận dụng trên bất kỳ chiếc điện thoại iPhone nào.

"Đây không phải là trường hợp của vụ San Bernardino, mà đây là sự an toàn và bảo mật của mọi điện thoại iPhone hiện được sử dụng", luật sư của Apple nêu quan điểm.

Đáng chú ý, luật sư Sewell cũng tiết lộ rằng giới chức Mỹ đang yêu cầu Apple phát triển một công cụ mà qua đó có thể bẻ khóa bất kỳ chiếc iPhone nào bất kể chúng được tích hợp các giải pháp mã hóa tối tân hơn trong tương lai.

Theo tường thuật của hãng tin Reuters, các thành viên quốc hội đã "soi" tuyên bố của người đứng đầu FBI rằng vụ việc lần này có thể tạo ra một "tiền lệ hợp pháp" qua đó cho phép các cơ quan mật vụ truy xuất bất kỳ chiếc điện thoại được mã hóa nào, đồng thời khẳng định nếu điều đó xảy ra thì chẳng khác nào FBI đã vượt quá quyền hạn được cho phép, cũng như vi phạm các luật định về nghe lén, giám sát công dân Mỹ.

Đáp lại phản bác này, ông Comey cho rằng FBI không hề yêu cầu mở rộng quyền giám sát của chính phủ, thay vào đó chỉ là duy trì khả năng thu thập các thông tin kỹ thuật số dựa trên các quy định về pháp luật mà Quốc hội Mỹ trước đó đã phê chuẩn.

Ông Comey cũng thừa nhận rằng FBI đã sai lầm khi yêu cầu các cơ quan chức năng ở quận San Bernardino tiến hành reset tài khoản iCloud của chiếc iPhone 5C sau khi thu giữ. Quyết định này, theo ông Comey, đã ngăn cản thiết bị vốn thực chất là thuộc quyền sở hữu của nhà chức trách địa phương, tiến hành việc sao lưu (back up) dữ liệu, trong khi đó đây chính là dữ liệu mà FBI muốn tham khảo.

 

Cuộc chiến mã hóa iPhone: Apple đang nghịch dao? 2
Apple đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ người dùng lẫn các đại gia công nghệ trong cuộc chiến chống bẻ khóa iPhone trước FBI và Bộ Tư pháp Mỹ.

Nhà chức trách Mỹ cho rằng, vụ tấn công mà Farook và vợ anh này là Tashfeen Malik tham gia được hậu thuẫn bởi các chiến binh Hồi giáo, và FBI muốn đọc dữ liệu bên trong chiếc iPhone thu giữ được nhằm điều tra xem có bất kỳ mối liên hệ nào với các tổ chức vũ trang Hồi giáo hay không.

Hồi cuối tháng 2/2016, nói trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ, ông Comey cho biết chiếc điện thoại iPhone 5C thu giữ có thể có "các dịch vụ định vị" mà qua đó có thể giúp cơ quan của ông làm đầy tư liệu về lộ trình trốn chạy của vợ chồng Farook trước khi họ bị tiêu diệt.

"Chúng tôi thiếu thông tin về 19 phút trước khi họ bị hạ gục bởi các lực lượng thực thi pháp luật", ông Comey khẳng định. "Câu trả lời có lẽ đang nằm trong thiết bị bị thu giữ".

Trò PR, sự ngoan cố hay quyền lực ngầm

Trang tin công nghệ The Verge dẫn lời một công tố viên Mỹ cho hay, việc Apple từ chối hợp tác hỗ trợ FBI bẻ khóa điện thoại iPhone thực chất chỉ là chiêu trò quảng cáo, đánh bóng tên tuổi nhằm xây dựng lòng tin từ khách hàng, chứ không phải là Apple đặt tính riêng tư dữ liệu của người dùng lên hàng đầu. 

Apple có cách lý giải của mình, và đích thân CEO Tim Cook cũng đã viết thư gửi đến khách hàng cho biết Apple sẽ không bao giờ viết một phần mềm dạng cửa hậu (backdoor) để trích xuất dữ liệu từ một chiếc iPhone theo yêu cầu của một thẩm phán Mỹ. 

Trước đó, Tim Cook từng khẳng định nếu Apple tuân thủ phán quyết mà tòa án đưa ra thì việc này sẽ là tin chẳng mấy tốt cho nước Mỹ, và rằng sẽ nó tạo ra một án lệ chắc chắn gây ảnh hưởng đến nhiều người Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, có luồng thông tin cho rằng, Apple đang phải gắng gượng "ngoan cố" bởi việc viết một backdoor cho FBI khẳng khác mấy việc chia sẻ với "người lạ" chìa khóa chính vào nhà, bởi lẽ trong thời đại công nghệ cao như hiện nay thì việc làm giả một chiếc chìa khóa chẳng có gì là khó khăn, đặc biệt với các cơ quan mật vụ Mỹ. 

Dù rằng FBI chỉ yêu cầu Apple viết riêng công cụ để giải mã đích danh chiếc iPhone 5C thu giữ trong vụ San Bernardino, song lấy gì làm chắc chắn những nguyên lý kỹ thuật cơ bản không bị rò rỉ trong backdoor này.

Và xem ra, Apple đang nhận được sự ủng hộ từ giới công nghệ, điển hình như các ông lớn trong ngành như AT&T, Facebook, Google, Microsoft hay Twitter. Thậm chí, hồi cuối tuần vừa qua, hàng loạt nhóm hoạt động xã hội và cộng đồng bảo mật đã lên tiếng đứng về phía nhà sản xuất iPhone trong cuộc chiến chống mã hóa. 

Dẫu thế, theo bình luận của vài trang tin quốc tế, Apple có quyền phản kháng bởi không ai hết thì hãng này hiểu rất rõ rằng các đại gia công nghệ đang nắm giữ một quyền lực "không tên" song lại vô cùng "mạnh mẽ". 

Trang CNN hôm 24/2 đã không ngần ngại có bài viết bình luận rằng quyền lực của làng công nghệ hiện quá lớn, và các đại gia công nghệ - trong đó có Apple - đang chứng tỏ sự lớn mạnh vượt giới hạn của mình. 

Trong vụ việc lần này, Apple phản kháng và họ vịn vào cơ sở phải bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật của khách hàng mà mình đang phục vụ, trong khi đó giới chức Mỹ cũng khẳng định họ cần Apple trợ giúp để bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ quyền thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh quốc gia.

Lẽ đó, hàng loạt ý kiến cho rằng, Apple và FBI cần một sự thỏa hiệp.

Trước phán quyết của một thẩm phán ở Brooklyn, New York khẳng định chính phủ Mỹ không thể ép buộc Apple mở khóa chiếc iPhone của một nghi phạm buôn bán ma túy, Tổng chưởng lý Mỹ Loretta Lynch bày tỏ bản thân bà cảm thấy thất vọng trước quyết định của tòa Brooklyn.

Theo bà Lynch, Bộ Tư pháp Mỹ không cáo buộc Apple đã làm bất cứ điều gì sai trái, tuy nhiên rõ ràng hãng này đang là bên thứ 3 nắm giữ thông tin/dữ liệu có giá trị cho một cuộc điều tra đang diễn ra. 

 

Nguồn tin: www.pcworld.com.vn