Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học

Thứ bảy - 10/01/2015 00:56
Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học

Sử dụng những chiếc quần lót làm “giáo cụ trực quan” giáo dục giới tính cho trẻ em mầm non, tiểu học là phương pháp giáo dục táo bạo của TS. Vũ Thu Hương.

TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã khởi xướng chiến dịch giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em mầm non, tiểu học từ năm 2008 với mục đích giúp các em hiểu về cơ thể chính mình và bạn bè khác giới từ đó biết trân trọng, có ý thức bảo vệ cơ thể khỏi nạn xâm hại trẻ em.

Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học 1

TS. Vũ Thu Hương - người khởi xướng chiến dịch GDGT cho trẻ em

TS. Thu Hương đã sử dụng những chiếc quần lót trong các buổi học để giải thích kỹ lưỡng hơn cho các em về các bộ phận cơ thể. Phương pháp giáo dục này ban đầu khiến không ít học sinh, phụ huynh đỏ mặt, thậm chí "ghê tởm", tuy vậy sau đó lại thu được những kết quả rất khả quan.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Thu Hương để hiểu hơn về phương pháp giáo dục táo bạo này:

Tại sao bà lại có ý tưởng đem quần lót vào nhà trường để GDGT cho trẻ em?

Đơn giản, bởi có rất nhiều điều liên quan đến chiếc “quần nhỏ”. Đầu tiên là những chi tiết tế nhị, kín đáo bên trong đó. Sau nữa là giá trị bảo vệ cơ thể của nó. Bởi vậy, tôi lấy chiếc quần nhỏ làm “vật đính kèm” thú vị trong những buổi truyền đạt kiến thức giới tính của chúng tôi.

Các em đã phản ứng thế thế nào khi nhận được những chiếc quần nhỏ đó, thưa bà?

Ban đầu các em kêu ầm lên, đỏ mặt, xua tay, thậm chí chui xuống gầm bàn và bỏ ra khỏi lớp. Có vẻ như các em thấy xấu hổ khi lần đầu tiên được nhìn thấy một vật rất kín đáo tại nơi rất công khai là lớp học.

Nhưng sau đó, các em đã bước qua sự ngại ngùng, tỏ ra thích thú với bài học. Gần cuối buổi, các em hào hứng tham gia, giơ tay phát biểu, thậm chí còn sẵn sàng chụp ảnh cùng chiếc quần nhỏ dễ thương.

Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học 2

Ban đầu, các em nhỏ đỏ mặt, e ngại khi nhìn thấy những chiếc "quần nhỏ" tại lớp học... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo bà, tại sao các em lại có phản ứng đó?

Những phản ứng như đỏ mặt, xua tay, chui xuống gầm bàn hay bỏ ra ngoài lớp học đều xuất phát từ việc các em không được đề cập đến vấn đề này trước đó. Hoặc nếu có thì cũng kín đáo và không thường xuyên. Và rõ ràng như vậy sẽ không được chi tiết và sâu sắc.

Các bậc phụ huynh thường né tránh dạy con về GDGT. Hầu hết các bậc cha mẹ đều cho đó là “vẽ đường cho hươu chạy”, là vấn đề xấu, nên tránh. Cũng có rất nhiều cha mẹ đã hiểu và biết được tầm quan trọng của GDGT nhưng lại ngượng ngùng, không biết phải bắt đầu dạy con thế nào.

Tâm lý ngượng ngùng, xấu hổ của người lớn đã lan truyền đến đám trẻ, khiến chúng phản ứng mạnh khi được học về giới tính.

Bà đã truyền đạt tới các em những kiến thức gì thông qua chiếc quần nhỏ?

Tất cả những vấn đề giới tính như “kinh nguyệt là gì?”, “băng vệ sinh dùng để làm gì?”, “mộng tinh, dị tinh là gì?”… Qua đó, chúng tôi muốn gửi đến các em những kiến thức cơ bản về sự phát triển cơ thể của cả phái nam và phái nữ.

Thông điệp quan trọng nhất chúng tôi muốn truyền tải là: “Khu vực cơ thể bên trong chiếc quần nhỏ là bất khả xâm phạm. Những ai động vào khi chưa được sự đồng ý của chủ nhân đều là người xấu”. Với thông điệp này, chúng tôi hy vọng các em sẽ có ý thức tự bảo vệ bản thân.

Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học 3
... nhưng sau khi nghe các cô truyền đạt kiến thức giới tính các em tỏ ra tò mò và thích thú

Chiến dịch GDGT cho trẻ em được ấp ủ từ khi nào và có gặp nhiều trở ngại không, thưa bà?

Tôi ấp ủ chiến dịch này từ năm 2006, khi còn đang học tập tại châu Âu. Tôi thấy ở đó, họ ưu tiên giáo dục trẻ những kĩ năng bảo vệ bản thân từ khi còn rất nhỏ. Họ cũng quan tâm tới sự phát triển của con trẻ từng ngày, từng giờ. Năm 2008, tôi phát động chiến dịch nhưng thất bại.

Nguyên nhân thất bại cũng chính là trở ngại lớn nhất của chiến dịch. Đó là quan niệm sống của các bậc cha mẹ Việt, luôn né tránh những vấn đề được cho là nhạy cảm. Khi tôi đưa vấn đề này vào các hội thảo khoa học thì đều bị phản đối.

Phải đến hè năm 2014, chiến dịch mới được tiến hành. Bởi sau rất nhiều những con số báo động về tình trạng xâm hại trẻ em, quan hệ tình dục trước 18 tuổi, các bậc cha mẹ mới “hoảng hồn” nhận ra những lỗ hổng lớn trong kiến thức giới tính của trẻ. Họ buộc phải quan tâm nhiều hơn và đó chính là thuận lợi lớn của chiến dịch trong năm vừa qua.

Vậy sau một năm triển khai, chiến dịch đã thu được những thành quả gì?

Chiến dịch của chúng tôi được tiến hành tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Ban đầu, tôi tổ chức các buổi tư vấn GDGT miễn phí cho 2 nhóm đối tượng: một là tư vấn cho các cha mẹ cách GDGT cho con, hai là dạy luôn những kiến thức giới tính cho trẻ nhỏ và đào tạo cả kĩ năng phòng tránh xâm hại cho các cháu. Tại các lớp này, mỗi gia đình đến dự đều mang theo những chiếc quần nhỏ để ủng hộ.

Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học 4

Các em hào hứng với những chiếc "quần nhỏ" và thoải mái tiếp thu kiến thức

 Sau khi gom được một lượng kha khá, chúng tôi đem đến các lớp học, trường học trên địa bàn Hà Nội, Lai Châu, … vừa giáo dục giới tính vừa phát quần nhỏ cho các cháu.

Thành quả đầu tiên mà chúng tôi thu được là các cha mẹ đã dũng cảm hơn trong việc GDGT cho con. Các cháu bé cũng được truyền đạt kĩ năng ứng phó về nguy cơ xâm hại, biết trân trọng hơn cơ thê mình cũng như bạn khác giới.

Nhưng với tôi, thành quả lớn mà chiến dịch đạt được là đã phá tan sự ngượng ngùng của chính các em nhỏ khi đề cập những vấn đề “nhạy cảm” này với người lớn. Các em không những sẵn sàng tìm hiểu mà còn tìm hiểu một cách thoải mái về vấn đề giới tính để chuẩn bị tốt nhất cho tuổi dậy thì.

Bà có thể cho biết, hiện trạng GDGT cho trẻ em của Việt Nam hiện nay?

Có thể nói, đây là mảng giáo dục mà chúng ta đã để trống rất lâu. Suốt chương trình tiểu học, các em nhỏ chỉ được dạy về giới tính trong mấy tiết học môn Khoa học lớp 5. Trong khi, ở thời điểm đó, nhiều em đã dậy thì. Vì không được chuẩn bị trước, các em trở nên lúng túng, hoang mang, nhiều em còn bật khóc vì nghĩ mình đã mắc một căn bệnh trầm kha nào đó.

Hơn nữa, do tình trạng trống về GDGT mà tình trạng bạo lực giới trong trường học ở Việt Nam tăng cao. Mới đây, thông qua báo chí tôi được biết, 78% học sinh ở HN đã từng là nạn nhân của nạn bạo lực giới trong nhà trường. Ngoài ra, cứ 1000 đứa trẻ Việt thì có 47 cháu đã sinh con. Đây là con số vô cùng kinh hoàng. Nó báo động tình trạng hỗn loạn về hiểu biết giới tính và các giá trị của cơ thể.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục thờ ơ với GDGT cho trẻ, thì con em chúng ta còn phải chịu đựng nhiều hậu quả không thể báo trước.

Gặp gỡ thạc sỹ đưa quần lót vào lớp dạy học 5

Nhiều em còn mạnh dạn giơ tay phát biểu

Theo bà, gia đình và nhà trường nên có biện pháp giáo dục thế nào để các em nắm vững hơn kiến thức giới tính?

Tôi chỉ mong mỏi, các bậc cha mẹ và thầy cô hiểu rạch ròi một vấn đề, đó là: Giáo dục giới tính không phải là dạy về tình dục. Nếu họ hiểu được điều đó, họ sẽ có cách dạy trẻ hiệu quả.

Chiến dịch vẫn sẽ tiếp tục được triển khai trong năm nay?

Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động.

Và bà kỳ vọng điều gì ở chiến dịch này? 

Tôi kỳ vọng, chiến dịch sẽ cùng các em và các bậc phụ huynh tạo thành cơn sóng lớn cuốn trôi đi những hậu quả khủng khiếp do sự thiếu hiểu biết về giới tính của trẻ mang lại.

Có lẽ, kỳ vọng đó là quá lớn nhưng tôi tin, với sự đồng lòng của các em cùng cha mẹ, thầy cô, chúng ta sẽ thành công.

Cảm ơn bà và chúc chiến dịch sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Nguồn tin: 24h


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 286
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 283
 
  •   Hôm nay 26,644
  •   Tháng hiện tại 1,088,252
  •   Tổng lượt truy cập 127,480,456