Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích

Thứ năm - 06/11/2014 06:04
Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích

Bảo tồn kiểu san phẳng một mỏm đồi rồi dựng lên đấy các nhà cổ hay trùng tu theo lối quét sơn lên cấu kiện gỗ... đều dẫn đến kết cục: 'tiêu diệt' di tích.

>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 3: Báu vật lưu lạc
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 2: “Cãi” với Gourou
>> Kỳ thú tường trình nhà cổ: Nhà lá mái chống cháy

Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích 1

Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích 2
Một số cấu kiện gỗ sau trùng tu giữ được tính chân xác tại Quảng Nam - Ảnh: H.X.H  

Tết năm ngoái, khi ghé thăm nhà cổ của quan Án sát Trần Hưng Nhượng ở xã Tam Xuân 1 (H.Núi Thành, Quảng Nam), anh Nguyễn Thượng Hỷ phát hoảng vì chủ nhà vừa mua loại sơn giá rẻ quét lên các cấu kiện gỗ. “Đây là di tích cấp tỉnh, anh muốn sơn sửa gì đó thì cũng chịu khó hỏi ý kiến anh em chuyên môn tụi tôi chớ”, anh phàn nàn với chủ nhà.

Nhà của quan Án sát Trần Hưng Nhượng là một trong 4 di tích do Nguyễn Thượng Hỷ và cộng sự ở Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đo vẽ, lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh. Anh Hỷ nhận thấy kiến trúc nhà này có điểm khác lạ khi thấp thoáng phong cách Bình Định, có lẽ do quan án sát từng làm Tri phủ An Nhơn nên phát hiện nét tài hoa nơi kíp thợ Bình Định. Ngôi nhà của người từng là thầy dạy hoàng tử Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này) và làm quan trải qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, vì thế rất được chú ý khi khảo tả. Nhưng kể cả khi chính thức được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2005 thì chuyện sơn sửa sau đó bên trong ngôi nhà cũng không dễ “kiểm soát”. 

Nguyễn Thượng Hỷ tiếc rẻ khi xem qua vài chỗ trùng tu nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, một di tích cấp tỉnh khác. Tiếc vì một con dơi điêu khắc bị vứt bỏ, thay bằng một con dơi khác đục đẽo rất xấu. “Nếu tôi giám sát, sẽ yêu cầu cắt con dơi đó để sau này lắp lại, giữ yếu tố gốc”. Than phiền chuyện dơi xong, anh nói qua chuyện người ta sửa chỗ đầu ngói vụng đến nỗi để hồ dầu dính lung tung, bôi bẩn lên cả gỗ… Đình Chiên Đàn ở H.Phú Ninh, nơi Nguyễn Thượng Hỷ là người đầu tiên đo vẽ và sau đó được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hồi năm 2005, cũng khiến anh không mấy vui khi nhiều cấu kiện gỗ bị mục phải vứt bỏ. Lẽ ra, những cấu kiện ấy phải được lưu giữ cẩn thận trong quá trình tu bổ.

Nhưng lần tùy tiện phun quét sơn nhớ đời lại xảy ra với một đình làng ở xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn cách đây 10 năm. Công trình gần hoàn thiện, bất ngờ một vị trong hội đồng tu bổ của làng mời thợ sơn về phun PU, khi phát hiện thì đã phun đen hết nửa đình. Được mời tư vấn trùng tu đình nên họa sĩ Hỷ giận lẫy, sau họp làng để “đấu tranh”. Cuối cùng, một bác sĩ tự nguyện bỏ ra mười mấy triệu đồng thuê thợ cạo hết những mảng sơn đã phun bậy. Hai năm sau, đến lượt Khổng miếu ở Tam Kỳ suýt bị phun sơn. Lần đó, anh tình cờ nghe nhóm thợ bàn tính và kịp báo tin cho cán bộ quản lý văn hóa.

Không còn gì để đo vẽ !

Nguyễn Thượng Hỷ thường lục lọi tư liệu để viết bài vinh danh đồng nghiệp làm tốt công tác tu bổ di tích vào mỗi dịp 23.11 - ngày Di sản văn hóa VN. Năm nay, anh định khen kiến trúc sư tên Toàn cùng đội thi công của Công ty CP Nhà VN đã trùng tu rất tốt di tích nhà cổ của ông Nguyễn Nho Phán ở làng Bồng Lai, thị trấn Vĩnh Điện (H.Điện Bàn). Nhưng tiếc rằng số người anh muốn khen như Toàn không nhiều, mà đa phần bị chê “trùng tu dở ẹc”.

Kỳ thú tường trình nhà cổ - Kỳ 4: Phun sơn di tích 3
Nguyễn Thượng Hỷ hỗ trợ thông tin thuyết minh tại Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN

Kevin Mark, đội tình nguyện của UNESCO chuyên bảo tồn cảnh quan, từ 3 năm trước đã cảnh báo các đồng nghiệp Quảng Nam phải gấp rút nghiên cứu kẻo vài năm nữa thôi sẽ… chẳng còn gì để đo vẽ. “Hỷ vẽ nhanh đi, tốc độ đô thị hóa sau 10 năm đã làm thay đổi quá nhiều cảnh quan đồng quê”, Mark giục. Thứ cảnh quan vô hồn đó Nguyễn Thượng Hỷ đã gặp nhiều, nơi người ta vạt một mỏm đồi rồi dựng lên vài ngôi nhà cổ để làm kiểng. Anh sực nhớ đã có kiến trúc sư Nhật Bản làm việc cho Tổ chức JICA nhắc nhở: “Các bạn đang giữ một kho báu của cha ông, nếu không biết cách giữ sẽ rất uổng”. Vậy mà bây giờ, khi những đồng nghiệp của anh Hỷ lưu giữ nhiều bản vẽ, ảnh chụp của các ngôi nhà cổ thì chính “kho báu” ấy bị thất tán, chỉ để lại khoảnh đất trống sau thương vụ bán cho người ta dựng quán cà phê hoặc chuyển chủ khác.

Không hề viển vông muốn tất cả những kiến trúc cổ phải được giữ y nguyên, trong các tham luận về nhà cổ, anh chỉ rụt rè kiến nghị chỉ cần chọn lọc để làm hồ sơ di tích cho các công trình xứng đáng về kiến trúc và nghệ thuật hay kiểu kết cấu lạ. Nhưng chừng đó thôi, hình như cũng đã quá khó…

Gửi niềm tin vào “bảo tàng sống”

Lê Văn Vĩnh, chủ nhân của Không gian nhà VN ở H.Điện Bàn (Quảng Nam), phục dựng 18 nếp nhà cổ độc đáo, 15 công trình kiến trúc và trưng bày hơn 12.259 hiện vật với mong muốn biến Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN trở thành một “bảo tàng sống”, nơi sinh viên ngành kiến trúc có thể đến nghiên cứu. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng dành 3 tháng để hỗ trợ thông tin cho đội ngũ thuyết minh và đặt nhiều niềm tin khi Lê Văn Vĩnh biết giữ lại những hiện vật quý nguyên gốc với điều kiện phải sắp xếp, giới thiệu khoa học hơn về hiện vật. Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN vừa chính thức mở cửa hôm 18.10.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Rất khó bảo tồn nhà cổ Hội An
>> Giải thưởng cho dự án bảo tồn nhà cổ Đường Lâm

Nguồn tin: Thanh Niên


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 84
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 80
 
  •   Hôm nay 14,102
  •   Tháng hiện tại 627,003
  •   Tổng lượt truy cập 128,245,242