‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim

Thứ sáu - 07/11/2014 16:11
‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim ‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim

Bộ phim gây xúc động về Thế chiến II đã dùng những phiên bản của mẫu xe tăng M4 Sherman để làm tăng tính lịch sử và đem tới hiệu quả hình ảnh cao nhất.

Trong tác phẩm Fury, ngoài yếu tố diễn xuất của dàn diễn viên, nhiều khán giả còn ấn tượng với việc thiết kế bối cảnh và đặc biệt là sự xuất hiện của những cỗ xe tăng. Có 5 chiếc xe chính được sử dụng để quay phim và tất cả đều là những phiên bản của mẫu xe tăng M4 Sherman. Trong phim, 5 chiếc xe tăng này được đặt mật danh Fury, Matador, Lucy Sue, Old Phyllis và Murder Inc.

Đối với Ian Clarke, người điều phối xe cho những cảnh quay, và Jim Dowdall, giám sát tổ lái xe tăng, việc tìm ra 5 chiếc xe tăng thời Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu như bao công việc khác - tìm cộng sự.

‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim 1

Hình ảnh chiếc xe tăng Fury.

Dowdall cho biết: “Chúng tôi cho rằng tốt nhất là tìm những lính tăng đã được huấn luyện, những người từng tham chiến ở Afghanistan hay những chiến trường khác. Họ không chỉ điều khiển những chiếc xe tăng một cách chính xác mà còn biết phải làm gì nếu sự cố xảy ra với những cỗ xe trên 70 tuổi này”.

Có 3 chiếc xe tăng khác nhau được sử dụng cho các cảnh quay liên quan tới Fury. Trong đó có một chiếc xe tăng Sherman với nòng pháo 76 ly, do Bảo tàng xe tăng Bovington cung cấp.

Với những cảnh quay bên trong chiếc Fury, nhà thiết kế sản xuất Andrew Menzies tạo ra một mô hình riêng. “Đó là thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật, bởi đây là một mô hình kích thước rất nhỏ; 4 phía đều có thể được tháo rời để David có thể quay từ bất kỳ góc độ nào”, Menzies cho biết. Gary Jopling, trợ lý chỉ đạo nghệ thuật cho biết: “Nó không khác gì một khoang bên trong của chiếc xe tăng thật. Với hệ thống gimbal, nó có thể chuyển động, rung lắc và quay 360 độ. Súng có thể nhô ra và khai hỏa”.

Để dựng cảnh bên trong xe tăng, bộ phận nghệ thuật đã quét hình ảnh của nó và phóng to thêm 10% so với kích thước thực. Từ bản scan, họ xây dựng một bối cảnh từ các khung hộp kim loại. Sau đó, họ trang trí “chiếc hộp” này giống như không gian bên trong xe tăng. Ngoài ra, các nhà làm phim cũng tìm được một giải pháp mang tính sáng tạo để thể hiện chiếc Fury có thể nạp đạn, khai hỏa và nhả vỏ đạn thông qua sự hỗ trợ của hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt.

‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim 2

Brad Pitt đi thăm bảo tàng xe tăng Bovington ở Borset, Anh.

Trong phim, chiếc xe tăng Mỹ đối mặt với đối thủ nguy hiểm nhất là xe tăng Tiger của Đức. “Rốt cuộc đó là một cuộc chiến của các xe tăng. Một chiếc Sherman thực sự rất ít có cơ hội để chống chọi lại chiếc Tiger được trang bị nhiều vũ khí mạnh”, Menzies cho biết.

Chỉ còn 6 chiếc Tiger từ thời kỳ đó và Bảo tàng Xe tăng Bovington chỉ còn duy nhất một chiếc có thể vận hành được. “Tiger 131 là một chiếc xe tăng rất quan trọng. Đây là chiếc xe tăng đứng ở sườn đồi ở Tunisia và bị tấn công bởi các xe tăng Anh thuộc Lữ đoàn Tăng 48. Nó đã tiêu diệt ít nhất 2 chiếc xe tăng Churchill, nhưng cuối cùng nó cũng bị đánh bại bởi những xe tăng khác. Tổ lái đã bỏ chiếc xe tăng này lại và sau chiến tranh, nó được bàn giao cho bảo tàng”, giám đốc bảo tàng David Willey cho biết.

Các nhà làm phim không muốn làm hư tổn chiếc xe tăng mang tính lịch sử này nên đã tạo ra một phiên bản thay thế để sử dụng trong các cảnh quay nguy hiểm, có thể khiến chiếc xe tăng thật bị hư hại.

Fury được quay trong 12 tuần tại những cánh đồng ở Oxfordshire (Anh) và căn cứ không quân Bovingdon ở Hertfordshire. Theo nhà sản xuất John Lesher, có nhiều lý do để đoàn làm phim đến nước Anh. “Trước hết, ở đó có một căn cứ tuyệt vời để khởi đầu cho quá trình sản xuất. Thứ hai, ở nước Anh có rất nhiều đạo cụ như xe tăng, xe thiết giáp, của cả Đức và Mỹ. Thứ ba, ánh sáng và thời tiết ở nước Anh rất phù hợp cho những cảnh quay nước Đức. Với ba lý do này, nước Anh là một nơi lý tưởng”.

‘Fury’ sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim 3

Một góc trường quay của phim "Fury" đặt tại Anh.

Trước khi bắt đầu sản xuất, đạo diễn David Ayer và nhóm của ông tiến hành nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến cốt truyện: từ loại xe tăng, các vũ khí trên chiến trường cho tới trang phục. “Mọi thứ phải được đảm bảo đến từng chi tiết. Có khi khán giả cũng không hiểu họ đang xem cái gì. Nhưng chỉ khi mọi thứ chính xác thì các cảnh quay mới được thực hiện một cách sống động. Đó là điều mà tôi theo đuổi”, David Ayer chia sẻ.

Nhà sản xuất Ethan Smith cho biết: “Điều mà David muốn không phải là sự tham khảo về lịch sử qua điện ảnh mà đó phải là sự phản ánh chân thực về lịch sử. Vì thế, chúng tôi đã ngồi hàng tiếng đồng hồ để xem những tư liệu trong Binh chủng Thông tin, nghiên cứu kỹ cách người lính bước đi, mang vũ khí, tiếp cận một nhiệm vụ hay thư giãn ở bên đường. Đó chính là kiểu mẫu dành cho bộ phim này”.

Ngoài ra, David Ayer và nhóm của ông còn được sự giúp đỡ của 3 cố vấn quân sự và 4 cựu chiến binh Sư đoàn Thiết giáp từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ II. Cố vấn quân sự Kevin Vance và David Rae là 2 người hợp tác với diễn viên, huấn luyện họ nhập vai những người điều khiển xe tăng. Ian Sandford, một cựu lính dù của Quân đội Anh là cố vấn quân sự cho những diễn viên trong vai binh sĩ Đức.

Hậu trường phim "Fury"
* Trái tim và Linh hồn
* Đối đầu với xe Tiger
* Tái hiện bối cảnh Thế chiến II

Nguyên Minh

Nguồn tin: giaitri vnexpress


 
 Từ khóa: nạp đạn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 139
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 138
 
  •   Hôm nay 24,435
  •   Tháng hiện tại 575,028
  •   Tổng lượt truy cập 128,193,267