"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ?

Thứ tư - 05/11/2014 23:54
"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ? "Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ?

Cũng theo đuổi cái đẹp như hồi làm chùm phim ngắn Ngọc viễn đông, nhưng có vẻ như câu chuyện về bà trùm đất cảng được Cường Ngô tái hiện qua Hương ga đã bị phẫu thuật thẩm mỹ quá tay.

"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ? 1
Cảnh trong phim Hương ga

Có nhiều đạo diễn theo đuổi cái đẹp đến mức cực đoan, và Vương Gia Vệ là một điển hình. Ông sở hữu cả một đội ngũ nhan sắc cực kỳ mỹ miều và bắt họ mặc lên người những phục trang đẹp đẽ nhất bất chấp câu chuyện ông đang kể là tình yêu hay võ học, rồi những cú máy slow - motion đặc tả, những đoạn độc thoại đậm chất văn thơ... Mọi thứ đều nằm trong khuôn khổ của ông, đầy tính sắp đặt. Kiểu làm phim điệu đà đã trở thành thương hiệu của Vương Gia Vệ, mặc dù điều này rất nguy hiểm vì nó dễ dàng đưa ông sa vào lối mòn. Tuy nhiên cần phải công nhận, phong cách làm phim điệu đà ấy đã khiến người ta sung sướng khi được lạc vô thế giới của cái đẹp mà ở trong nó, nỗi cô đơn cũng bàng bạc.

 
"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ? 2

Nếu ví von thế giới giang hồ là một địa điểm du lịch nổi tiếng thì Hương ga có lẽ là tấm bưu thiếp sặc sỡ, và chỉ thế thôi.

"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ? 3

Hay trường hợp Quentin Tarantino, kẻ chuyên làm phim bạo lực, cũng là một đạo diễn hết sức đỏm dáng. Hãy lắng nghe câu chuyện của những gã găng tơ trong Reservoir Dogs, quan sát quá trình tìm giết sĩ quan SS của Brab Pitt trong Inglourious Basterds, cảm nhận điệu bộ của gã nô lệ Django lúc hắn phi ngựa dưới ráng chiều rực rỡ trong bộ phim cùng tên, Kill Bill thì khỏi bàn: quá màu mè! Phong cách của Tarantino đỡ hà khắc hơn hẳn vị đạo diễn họ Vương kia song suy cho cùng vẫn là đỏm dáng, từ lối quay phim, diễn xuất, màu sắc, âm nhạc... Ai đời giết người mà trông y hệt nghệ sĩ sắp sửa bước ra sân khấu biểu diễn một bài múa đương đại. Chắc bởi thế mà những gã găng tơ của Tarantino, đôi khi, giống như một người nghệ sĩ.

Gần gũi hơn nữa là đạo diễn Trần Anh Hùng. Những người xem phim của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt này đều nhận thấy, Trần Anh Hùng là một đạo diễn vô cùng duy mỹ. Mùi đu đủ xanhMùa hè chiều thẳng đứng là hai tác phẩm rõ ràng nhất về cái đẹp - cái đẹp trước hết đánh mạnh vào thị giác của người xem rồi lan tỏa dần tới cảm xúc. Ở trong mỗi khuôn hình của Trần Anh Hùng dường như là một sự trì hoãn kiên nhẫn để đạt được vẻ đẹp hòa quyện như anh mong muốn, sự kết hợp nhịp nhàng giữa màu sắc, âm thanh, ánh sáng... Những nhân vật của anh đọc thoại như đọc thơ, có nhịp có phách, khác hẳn kiểu nói chuyện thông thường hằng ngày của người Việt. Trần Anh Hùng luôn đề cao tính nhạc trong một tác phẩm điện ảnh, cho nên, hình ảnh không phải là thứ duy nhất được anh trau chuốt kỹ lưỡng. Thời gian đầu khi Trần Anh Hùng mới nổi tiếng với Mùa đu đủ xanh, ngay trong giới phê bình của Pháp đã chia rẽ làm hai trường phái, một bên chê bai phim Trần Anh Hùng là góc nhìn của D.O.P (đạo diễn hình ảnh), một bên khen ngợi Trần Anh Hùng tìm lại vẻ đẹp của điện ảnh. Nói như thế để hiểu rằng, không phải cái đẹp nào cũng được đón nhận, chẳng riêng gì Trần Anh Hùng mà cả hai vị đạo diễn Vương Gia Vệ lẫn Quentin Tarantino cùng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Quay trở lại câu chuyện Hương ga của đạo diễn Cường Ngô. Thật ra, bất kỳ sự so sánh nào giữa Cường Ngô với ba vị đạo diễn kể trên cũng đều là khập khiễng, và đem một bộ phim như Hương ga ra để so sánh với Kill Bill thì lại càng không cần thiết. Ba con người tài hoa kia đều là đạo diễn thành danh của điện ảnh thế giới, ít nhất họ cũng đã được vinh danh tại Oscar hay các LHP lớn như: Venice, Cannes, Berlin... Người viết chỉ muốn nói về việc theo đuổi cái đẹp của người làm nghệ thuật, mà ở đây là làm phim ảnh. Cường Ngô không giấu giếm mình là người yêu thích cái đẹp ngay từ chùm phim ngắn Ngọc viễn đông ra mắt cách đây vài năm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bảy tác phẩm trong chùm phim ngắn Ngọc viễn đông đều bắt đầu bằng chữ “T”: Thơ, Tin nhắn, Trăng huyết, Thuyền, Thức, Tặng phẩm, Thời gian. Qua mỗi phim, Cường Ngô dắt người xem đi khắp miền đất nước: Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa, Phan Thiết... Bên cạnh đó, vị đạo diễn trẻ còn sẵn sàng chi số tiền khá lớn cho một dàn nhạc người Canada để phục vụ tác phẩm của mình. Ở Ngọc viễn đông, người ta chấp nhận cái đẹp mà Cường Ngô bày biện, vì dẫu sao thì cái đẹp ấy cũng đem lại cảm xúc, một thứ cảm xúc vừa mới mẻ vừa quen thuộc khi có người chịu khó đưa cùng lúc rất nhiều cảnh đẹp của VN lên một tác phẩm, cộng thêm vài ba câu chuyện man mác, thế là Ngọc viễn đông trở nên đèm đẹp, không hơn.

"Hương ga": Đẹp bao nhiêu là đủ ? 4
Cảnh trong phim Hương ga

Cảnh VN đẹp, người VN đẹp..., xem xong trailer phim Hương ga thì đây là nỗi lo sợ dễ thấy nhất. Bởi Cường Ngô từng tuyên bố phim của anh luôn hướng tới tính thẩm mỹ, mà thẩm mỹ của Ngọc viễn đông thì có vẻ vẫn chưa đủ thuyết phục. Vậy nên, thật tò mò muốn biết một cuốn tiểu thuyết gai góc như Phiên bản sau khi được Cường Ngô “thẩm mỹ hóa”, nếu vẫn giữ tiêu chí về cái đẹp giống Ngọc viễn đông thì sẽ mang hình hài gì. Cường Ngô rốt cuộc rất trung thành với tuyên bố của mình. Cái cách anh quay cô Hương ga giang hồ trùm đất cảng trông chả khác gì cô “hồ ly chín kiếp” ở thánh địa Mỹ Sơn trong chương Thuyền năm nào. Máy quay vẫn lướt qua rồi dừng lại ở đôi mắt ấy, bờ môi ấy, nụ cười ấy, để người ta kịp chiêm ngưỡng các nét nổi bật trên khuôn mặt người đàn bà. Các nhân vật nam trong phim cũng không ngoại lệ. Máy quay bắt lấy từng khóe môi, từng cơ bắp của những tay giang hồ khét tiếng như Hưng mã và Tùng hero đem đến cho người xem một bữa tiệc hình thể đúng nghĩa. Trương Ngọc Ánh đẹp, tất nhiên. Bao nhiêu cái đẹp của cô đã được Cường Ngô phô bày hết ra thì ai mà dám nói cô không đẹp cơ chứ?

Nhưng, cái đẹp lúc này không cứu rỗi được ai nữa. Sự lạc lõng đến đáng thương của những ánh mắt và bờ môi trong một khuôn hình không dành cho cái đẹp bể nổi. Một toán giang hồ xuất hiện chỉ đọng lại trong tâm trí người xem họ đã ăn mặc tông xuyệc tông ra sao, dáng đi hầm hố thế nào, và cả những biểu cảm nguy hiểm, hoặc tỏ ra nguy hiểm thường trực trên khuôn mặt họ. Người viết có thể nói chính xác màu phấn mắt mà Hương ga trang điểm chứ khó lòng nhớ được trước cái cảnh chém giết ấy mình có căng thẳng hồi hộp hay không. Đạo diễn cũng “trang điểm” cho bộ phim một khuôn mặt nguy hiểm như vậy, song, ngoài khuôn mặt nguy hiểm ra thì chúng ta không có thêm cái gì nữa để làm nên đời sống của thế giới ngầm tăm tối và khắc nghiệt. Tình tiết thì lỏng lẻo. Mạch phim thì rời rạc. Lúc ấy, chỉ muốn mượn lời Nam Cao: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối” để thốt lên.

Trong một lần trò chuyện với Phan Đăng Di, đạo diễn của Bi, đừng sợ! từng chia sẻ rằng: “Cuộc sống có những thứ thoạt nhìn tưởng đẹp, song ngắm kỹ sẽ thấy nó là cái đẹp rất sáo rỗng, rất dễ chán, kiểu đèm đẹp không thú vị. Thú vị thì nằm ngoài hình thức, nhiều khi chính những thứ trông rất buồn cười, ngớ ngẩn mới làm nên cái đẹp. Phải cần có những ngẫu nhiên để tránh bị rơi vào khoảng đèm đẹp đáng sợ”. Đẹp là một ý niệm, nhưng đèm đẹp là thứ khó giấu được. Vương Gia Vệ nỗ lực xây dựng những thước phim đẹp không tì vết, cái đẹp mà chỉ mới nghĩ đến việc nó bị lung lay thôi người ta đã bần thần tiếc nuối. Sau tất cả những thứ lung linh diệu vợi kia, người ta nhìn ra được thân phận mong manh của tình yêu và tuổi trẻ. Các bậc thầy điện ảnh sử dụng cái đẹp làm nền cho con người, chứ chẳng phải lấy con người phục vụ cho cái đẹp hời hợt nào đấy, thế nên không thể thiếu đi một hoặc nhiều số phận qua những thước phim. Hương ga có một câu chuyện, dù được diễn đạt chưa mạch lạc, song Hương ga thiếu đi hơi thở của đời sống cũng như số phận con người. Trong một phân đoạn, chúng ta thấy cô Hương ga hạnh phúc, vì cô cười. Trong một phân đoạn khác, chúng ta thấy cô Hương ga đau khổ, vì cô khóc. Mỗi giai đoạn cuộc đời của Hương ga được Cường Ngô nhấn nhá qua một khuôn hình. Mọi thứ cứ như phải gắng gượng kết nối với nhau bằng những hình ảnh không mạnh tính kể chuyện. Và khi chắp vá tất cả hình ảnh lại, chúng ta không thấy gì cả.

Nếu ví von thế giới giang hồ là một địa điểm du lịch nổi tiếng thì Hương ga có lẽ là tấm bưu thiếp sặc sỡ, và chỉ thế thôi.

Ngân Vi

>> Hương ga' hứa hẹn lập kỷ lục
>> Nghẹt thở với ‘Hương Ga’
>> Chi Bảo, Trương Ngọc Ánh vào phim về trùm giang hồ Dung Hà  

Nguồn tin: Thanh Niên


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 272
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 271
 
  •   Hôm nay 29,893
  •   Tháng hiện tại 1,091,501
  •   Tổng lượt truy cập 127,483,705