Cơ sở đánh lửa quốc gia thuộc Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore thu được năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch thông qua dùng laser để hợp nhất hai nguyên tử.
Các nhà khoa học Mỹ đạt mức tăng năng lượng thuần (net energy gain) từ phản ứng nhiệt hạch lần thứ hai từ sau đột phá lịch sử hồi tháng 12 năm ngoái trong công cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng sạch an toàn gần như vô hạn, theo Guardian. Nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California lặp lại đột phá trong thí nghiệm ở Cơ sở đánh lửa (NIF) hôm 30/7, giúp tạo ra hiệu suất năng lượng cao hơn đợt đầu. Theo phát ngôn viên của phòng thí nghiệm, kết quả cuối cùng vẫn đang được phân tích.
Module trong thí nghiệm nhiệt hạch ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore. (Ảnh: Reuters).
Phản ứng nhiệt hạch bao gồm sáp nhập hai nguyên tố nhẹ như hydro để hình thành nguyên tố nặng hơn, giải phóng năng lượng khổng lồ trong quá trình. Đây là phản ứng cung cấp nhiệt và ánh sáng cho Mặt Trời và những ngôi sao khác. Phương pháp này được cho là có tiềm năng cực lớn nhằm mang đến nguồn năng lượng bền vững ít thải khí.
Tháng 12/2022, Lawrence Livermore lần đầu tiên đạt mức tăng năng lượng thuần trong thí nghiệm nhiệt hạch bằng cách sử dụng laser. Thí nghiệm đó sản sinh 3,15 megajoule năng lượng sau khi laser cung cấp 2,05 megajoule cho mục tiêu. Nói cách khác, nó tạo ra nhiều năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch hơn mức năng lượng laser dùng để vận hành.
Bộ Năng lượng Mỹ gọi thí nghiệm là "đột phá khoa học quan trọng" giúp mở đường cho những thành tựu quốc phòng và tương lai của năng lượng sạch. Năng lượng nhiệt hạch đem đến tiềm năng về nguồn điện sạch dồi dào. Phản ứng không giải phóng khí nhà kính hay phụ phẩm chất thải phóng xạ. Một kilogram nhiên liệu nhiệt hạch bao gồm đồng vị nặng của hydro là deuterium và tritium, cung cấp năng lượng nhiều ngang 10 triệu kilogram nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà khoa học cảnh báo công nghệ còn lâu mới sẵn sàng để đưa vào nhà máy điện và không giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, họ nhận định những thành tựu mới nhất là bằng chứng có thể khai thác năng lượng của các ngôi sao trên Trái Đất.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn