Một nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) vừa tạo được các miếng phi lê cá dài 1cm trong phòng thí nghiệm.
Miếng phi lê cá được nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Trường ĐH Chiết Giang)
Sản phẩm này được phát triển trong 17 ngày và rất khó phân biệt với cá tự nhiên về hương vị, màu sắc và kết cấu, theo tờ South China Morning Post hôm 21-5.
Thịt nuôi cấy được tạo ra bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trong phòng thí nghiệm. Đây được xem là giải pháp thay thế một phần ngành chăn nuôi truyền thống trong sản xuất thịt. Một số nhà nghiên cứu và công ty đã phát triển mô thịt từ bò và heo với sự trợ giúp của công nghệ in 3D.
Tuy nhiên, số lượng công trình nghiên cứu về cá biển nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vẫn còn ít, một phần vì cá tự nhiên rất đa dạng về loại cơ và thiếu công nghệ hỗ trợ.
Loại cá được lựa chọn trong cuộc nghiên cứu trên là cá đù vàng lớn, một sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Á. Chúng được ưa chuộng nhờ hương vị và giá trị dinh dưỡng cao, nhưng quần thể trong tự nhiên đang suy giảm đáng kể do bị đánh bắt quá mức.
"Cá biển chứa protein chất lượng cao và axit béo không bão hòa, có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Công nghệ này có thể hỗ trợ giải quyết việc cung cấp thịt và protein động vật cho con người. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo tồn cá biển" - bà Liu Donghong, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, nhận định.
Nguồn tin: khoahoc.tv
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn