Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước

Thứ năm - 05/11/2015 07:57
Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước

Cách bờ biển khoảng một km, hai giếng cổ là nguồn nước ăn của bao thế hệ dân làng Thuận An (Quảng Nam) và dù hạn hán khốc liệt thế nào cũng chưa bao giờ cạn.

Cách bờ biển khoảng một km, hai giếng cổ là nguồn nước ăn của bao thế hệ dân làng Thuận An (Quảng Nam) và dù hạn hán khốc liệt thế nào cũng chưa bao giờ cạn.

Giếng cổ 600 năm tuổi chưa bao giờ cạn

Một ngày cuối tháng 10, ăn vội bữa cơm trưa như thường lệ, bà Lê Thị Hồng (66 tuổi) tất tả chạy ra giếng cổ nằm ở cuối thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) để chờ thu tiền bán nước. Bà được giao phó việc bán nước ở hai giếng cổ này, mỗi tháng giao lại cho thôn một triệu đồng để nộp vào quỹ làm đường, trùng tu giếng cổ….

Người dân trong thôn đến lấy nước về dùng không phải mất tiền, người ngoài muốn có 30 lít nước phải trả 1.000 đồng. Mỗi ngày trung bình bà Hồng bán được 50.000 đồng, họ chủ yếu lấy nước về uống, còn sinh hoạt đã có giếng khoan. Trong xã có 4 phụ nữ chuyên lấy nước giếng cổ rồi chở đến các thôn bán lại với giá gấp 10 lần, ngày nắng nóng còn đắt hơn.

Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước 1
Nước ở hai giếng cổ ngon đến mức người dân thôn khác phải bỏ tiền để mua. (Ảnh: Tiến Hùng).

Nói về chất lượng nước giếng cổ, cụ Lê Thị Lanh (86 tuổi) tự hào: “Nước giếng cổ dùng pha trà thì trà thơm, nấu cơm thì cơm dẻo. Người dân ở đây ai cũng ý thức được giếng cổ là đặc ân mà người xưa để lại nên rất quý”. Vào mùa đông, nước giếng bốc hơi, thời tiết càng lạnh thì nước càng ấm. Mặc dù bị cấm tắm giặt ven giếng, nhưng trẻ con vẫn lén lút ra dội lên người vài gàu rồi chạy về.

"Một số người dân rời quê Tam Hải vẫn thường nhờ bà con lấy nước giếng cổ rồi gửi xe đò vào. Nước giếng ngon đến mức nhiều người dân trong làng còn cho rằng trị được cả bệnh tật", bà Hồng kể. Các gia đình ở xã đảo có tàu vươn khơi đánh bắt đều chuẩn bị ít nước giếng cổ để dành uống dần. Họ cho rằng nguồn nước ngọt giữa bốn bề nước mặn sẽ giúp người đi biển khỏe khoắn hơn. Hiện tại có đến 2/3 người dân xã đảo sử dụng nước giếng cổ cho việc ăn uống hàng ngày.

Nhà ông Huỳnh Thân (64 tuổi) cách giếng cổ chừng 40m, cũng có một giếng được đào sâu hơn chục mét. Tuy nhiên, giống như bất kỳ giếng nào trên xã đảo, nước từ giếng nhà ông Thân không thể sánh được với nước giếng cổ. “Có thể người đào giếng cổ rất tinh thông về địa lý, về nguyên lý của mạch nước ngầm. Một ai đã thử uống nước giếng đều thấy vị khác biệt, không bị nhiễm phèn mà rất ngọt, nước trong xanh, uống vào cảm thấy rất sảng khoái”, ông Thân nói.

Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước 2
Theo dân làng thì nước giếng cổ pha trà trà thơm, nấu cơm cơm dẻo. (Ảnh: Tiến Hùng).

Hai giếng cổ kiến trúc giống nhau, nằm cách nhau chừng 500m, cách bờ biển khoảng một km và ngăn cách bởi đồi đất sét. Miệng giếng rộng chừng 2m, sâu hơn chục mét, thành được ốp bằng đá ong. Vào mùa hạn cả thôn lại cùng nhau ra tát nước để vệ sinh giếng, lúc này đáy giếng lộ rõ.

Dưới đáy giếng có những ngách đá có thể đi sâu vào, như hang đá nhỏ. Hạn đến mấy những ngách này vẫn còn nước, mùa kiệt muốn lấy nước phải thả gàu xuống cho nó lăn vào phía trong hang đá, ngập xuống vũng nước rồi từ từ kéo lên chứ không phải thả xuống là có nước ngay.

Các cụ bô lão kể, năm 1964, nghe tiếng nước giếng cổ ngọt ngon, quân Mỹ đóng tại Tam Hải đã tìm cách đào thêm giếng cạnh đó, nhưng không như mong muốn. Đến năm 1970, một sư đoàn của Việt Nam Cộng hòa cũng đào một cái giếng tương tự nhưng cũng không bắt được mạch nước như giếng cổ. Từ năm 1934 đến nay, giếng cổ được dân làng Thuận An 4 lần trùng tu.

“Mùa hè, hàng trăm người xếp hàng dài cả cây số để lấy nước, có những người phải thức dậy từ nửa đêm chỉ mong được vài chục lít nước về uống. Do lượng người dùng nước giếng đông nên chính quyền cũng rất quan tâm, phải có trách nhiệm bảo vệ”, ông Nguyễn Hữu Khoa, Bí thư Chi bộ thôn Thuận An cho biết.

Giếng cổ hơn 600 năm chưa bao giờ cạn nước 3
Để bảo vệ giếng cổ, dân làng cấm việc tắm giặt tại đây, từ năm 1934 đến nay giếng cổ đã qua 4 lần trùng tu. (Ảnh: Tiến Hùng).

Nói về nguồn gốc giếng cổ, các bô lão thôn Thuận An kể, năm 1403 người Việt di dân vào vùng đất này. Lúc đó hai giếng cổ đã có, người dân vẫn có thói quen lấy nước giếng để uống từ đó đến nay. Có người bảo cả hai giếng được đào cùng lúc bởi người Chăm nhưng kiến trúc lại không giống những giếng Chăm khác.

"Hồi nhỏ tôi cũng nghe các cụ nói rằng, giếng được đào bởi những người từ vùng đất khác. Họ đến đây dựng lán để đi biển đánh cá, ở tạm một thời gian thì về chứ không biết chính xác người ở vùng nào bởi trước đây vùng đất này thuộc vương quốc Chămpa”, cụ Lê Thị Lan (78 tuổi), sống ở bên cạnh giếng cổ nói.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Xuân Tịnh cho hay giếng cổ Chămpa thường xây hình vuông hoặc tròn, dưới đáy phẳng và có một lớp gỗ, nhưng hai giếng này đáy lại nghiêng, không làm bằng gỗ mà là đá tự nhiên. "Đến nay vẫn chưa khẳng định được giếng do ai làm và có từ bao giờ. Cũng có thể là do người Việt khi đến vùng đất mới đã tiếp thu được cách đào giếng của người Chăm và đã tự đào hai cái giếng này", ông Tịnh nói.

Phó giám đốc Sở khẳng định dù được hình thành vào thời điểm nào đi nữa thì đối với người Tam Hải không gì quan trọng bằng việc cả 2 giếng cổ trở thành “bầu sữa” nuôi sống biết bao thế hệ. Do vậy, người trong làng luôn ý thức phải bảo vệ nguồn nước thiêng liêng ấy luôn được trong lành.

  • Phát hiện giếng cổ chưa lúc nào cạn nước
  • Phát hiện giếng cổ gần thành nhà Hồ

Nguồn tin: khoahoc.tv


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 128
  •   Máy chủ tìm kiếm 7
  •   Khách viếng thăm 121
 
  •   Hôm nay 18,635
  •   Tháng hiện tại 631,536
  •   Tổng lượt truy cập 128,249,775