Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á

Thứ năm - 12/04/2018 19:42
Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á

Dân trí Đội Hanoi Elite đã mang về vinh quang cho đất nước khi giành giải vô địch cấp châu lục. Đối với bộ môn còn non trẻ ở Việt Nam như cheerleading (cổ vũ, hoạt náo), chiếc cúp này có ý nghĩa rất lớn.

Màn trình diễn Freestyle mang về chức vô địch cheerleading quy mô châu lục đầu tiên cho đội Việt Nam

Chức vô địch quy mô châu lục

Hanoi Elite là đội đại diện cho Việt Nam tham dự Asia Cheerleading Invitational Championships (gọi tắt là ACIC), cuộc thi đấu giữa các đội hoạt náo viên được tổ chức thường niên vào tuần cuối cùng của tháng 3, tại Singapore, do hiệp hội Cheerleading Singapore được sự bảo trợ của Hiệp hội Cheerleading Quốc tế đứng ra tổ chức.

Cuộc thi có sự tham gia của các đội đến từ Singapore, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Đài Bắc Trung Hoa, Trung Quốc.

Nguyễn Hà My, đại diện cho đội Hanoi Elite chia sẻ rằng vào ngày 31/3 vừa qua, Hanoi Elite đã vô địch nội dung Team Cheer Freestyle Pom Open (Nhóm nhảy tự do với bông cổ động) tại cuộc thi.

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 1
Niềm vui của các nhà vô địch Hanoi Elite

Việc Hanoi Elite lần đầu tiên giành chức vô địch ở giải đấu này là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và cheerleading nói riêng.

Hà My chia sẻ, trước đây cô đã nhiều lần dẫn đội ra nước ngoài dự thi nhưng đây là lần đâu tiên cô kêu gọi và thành lập được một đội có sự góp mặt của các cheerleader ưu tú nhất, của các đội trên địa bàn Hà Nội.

Cô nói: “Nếu như những năm 2017 trở về trước, các đội đến từ Hà Nội, TP.HCM tự đi thi đấu riêng lẻ thì năm nay không chỉ PINKY của ĐH Ngoại Thương HN mà còn của RUMBO Cheerleading squad (trường ĐH KHXH&NV), ALLSTARS-ACCU Cheerleading squad (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia), và một số thành viên đến từ các đội nhảy của trường ĐH Thăng Long, Học viện Ngoại Giao… cùng tham gia vào Hanoi Elite.

Em mong rằng Hanoi Elite là một bước tiến mới mà trong tương lai, cả Hà Nội và TP.HCM đều mong muốn thành lập được một đội như đội tuyển của Việt Nam, với sự đồng lòng của nhiều đội, chọn ra những thành viên ưu tú nhất để thi đấu quốc tế”, My cho biết.

Cheerleading - Niềm đam mê của người trẻ yêu thích vận động và hoạt động nhóm

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 2
Cheerleading là bộ môn kết hợp giữa nhảy và thể dục, có độ khó cao và yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng của toàn đội.

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 3

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 4
Hình ảnh từ màn trình diễn xuất sắc của Hanoi Elite tại ACIC

Đội Hanoi Elite hiện tại có một nửa là các bạn sinh viên, và nửa còn lại là những bạn mới tốt nghiệp, hoặc đã có công việc rồi. Nhưng tất cả đều bắt nguồn là thành viên của các đội cheerleading ở các trường ĐH, và vẫn duy trì niềm yêu thích tập luyện. Nguyễn Hà My với tư cách là huấn luyện viên, cũng là người nhiều tuổi nhất đội sinh năm 1988. Còn thành viên nhỏ tuổi nhất là sinh viên năm nhất, sinh năm 1999.

Hà My tâm sự: “Cheerleading không phải là công việc của chúng em vì bộ môn này chưa làm ra tiền mà ngốn rất nhiều tiền. Nhưng cũng giống như là một sở thích, một niềm đam mê khác nên rất nhiều bạn, đã rất nhiều lần tuyên bố “đây sẽ là lần cuối cùng tôi đi thi” nhưng rồi thì năm sau lại vẫn thấy tiếp tục.

Lí do của mỗi người là khác nhau nhưng với em, bộ môn này nó không chỉ là một bộ môn nhảy, nó cũng không chỉ là một môn thể thao, cheerleading dạy cho em nhiều hơn thế”.

Cheerleading là môn thể thao mà tính đồng đội cao, bởi sự thật là tính mạng, sức khỏe hay sự lành lặn của các thành viên phụ thuộc vào nhau. Chỉ cần không hiểu ý, chỉ cần không tin tưởng, tai nạn sẽ xảy đến và rất nguy hiểm.

Điều khó nhất khi tập luyện bộ môn này là vượt qua bản thân, thách thức giới hạn của mình bởi các động tác yêu cầu kĩ thuật, độ chính xác cao. Nếu chẳng may gặp chấn thương, nhẹ thì bong gân, trật khớp, nặng là gãy tay, nặng hơn nữa cũng rất nhiều.

Ngoài ra, bộ môn này cũng giúp các bạn trẻ có vóc dáng săn chắc, lại linh hoạt và làm được những tạo hình ấn tượng hơn tập các bộ môn thể thao khác.

Thiếu cơ hội cho sự phát triển của cheerleading

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 5
Hiện nay, các bạn trẻ theo đuổi cheerleading tại Việt Nam đều dưới dạng tự phát, chưa có tổ chức quản lý, huấn luyện chuyên nghiệp.

Cheerleading cũng không còn mới ở Việt Nam, cụ thể là cheerleading đã được biết đến ở Việt Nam từ khoảng năm 2010, với giải thi đầu tiên có tên Uleague. Nhưng phát triển mạnh vào khoảng năm 2015 đổ lại đây với sự gia tăng về số lượng các đội ở trường ĐH và cả trung học phổ thông.

Nếu nói về trình độ, hiện giờ Việt Nam tất nhiên còn đi sau các nước bạn rất nhiều, nhưng không phải không có những người giỏi. Cụ thể đã được chứng minh bởi các giải thưởng. Nhưng để nhìn chung chúng ta còn thua xa vì không có điều kiện tập luyện, không có một tổ chức dẫn dắt để luyện tập bài bản. Hiện tại, tất cả cheerleader đều tự bỏ tiền để mời các huấn luyện viên nước ngoài về Việt Nam để tổ chức các buổi hội thảo, hướng dẫn về kỹ thuật cơ bản và nâng cao.

“Mong muốn của cá nhân em, từ rất lâu là có thể thành lập được một tổ chức để đại diện, giúp kết nối cộng đồng ở Việt Nam đến với các nước nhiều hơn. Vì vậy em vẫn duy trì, và từng bước hỗ trợ các bạn ở mức cho phép. Và việc lập được đội Hanoi Elite cũng là dấu mốc, bước khởi đầu cho thấy các bạn đều tin tưởng ở em, tin tưởng ở chính mình để cùng phát triển bộ môn này”, Nguyễn Hà My nói.

Nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vô địch giải cheerleading quy mô châu Á 6

Toàn bộ quá trình, Hanoi Elite tự lo về kinh phí thuê phòng tập, địa điểm tập luyện. Năm nay, đội được hỗ trợ từ Nhà thi đấu quận Tây Hồ (Hà Nội), nên có được địa điểm rộng rãi, trang thiết bị đầy đủ (thảm tập, ánh sáng, âm thanh) với chi phí rất hữu nghị để luyện tập. Còn trước đây, để tìm được địa điểm tập đạt chuẩn cho đội vô cùng khó, thường thì các bạn trẻ tập ở sân trường, không gian hạn hẹp, đến tối không có đèn điện.

Chi phí cho một lần đi thi đấu thường trên 10 triệu đồng, bao gồm: vé máy bay, chỗ ở, phòng tập, đồng phục, dụng cụ cho bài thi (giày, bông, biển hiệu…), ăn uống, đi lại, di chuyển ở nước bạn, học bổ trợ... Và chưa kể là tiền viện phí, tiền chi trả thuốc thang nếu bị chấn thương.

Là những người tâm huyết với cheerleading, các bạn trẻ thường phải bỏ tiền túi để đi thi đấu, có cơ hội cọ xát, học hỏi. Mặc dù đã nhiều lần tìm nhà tài trợ nhưng vì tính chất bộ môn này chưa phổ biến, hơn nữa cũng không đạt đủ quyền lợi cho các đơn vị tài trợ nên các thành viên vẫn xác định tinh thần tự chi trả.

“Em cũng không nói trước là sẽ đi được tiếp đến đâu, nhưng cứ đi thì sẽ có đường, trước em chỉ có 5 người, rồi em có một đội và giờ là rất nhiều đội, vì vậy có thể coi như tín hiệu phát triển đáng mừng rồi”, Hà My lạc quan nói.

Mai Châm

Ảnh và clip: NVCC

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 111
 
  •   Hôm nay 25,501
  •   Tháng hiện tại 603,671
  •   Tổng lượt truy cập 128,221,910