Thuyết âm mưu khiến người dân Anh đốt phá trạm phát sóng 5G

Thứ ba - 07/04/2020 12:13
Thuyết âm mưu khiến người dân Anh đốt phá trạm phát sóng 5G Thuyết âm mưu khiến người dân Anh đốt phá trạm phát sóng 5G

Dân trí Nhiều trạm phát sóng 5G của các nhà mạng tại Anh đã bị người dân đốt phá, mà nguyên do bắt nguồn từ các thông tin giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội.

Nhà mạng Anh “năn nỉ” người dân ngừng đốt phá trạm phát sóng 5G

Bốn nhà mạng hàng đầu của Anh, bao gồm Vodafone UK, EE, O2 và Tree, đã cùng đưa ra một tuyên bố chung, “năn nỉ” và kêu gọi mọi người ngừng đốt phá trạm phát sóng mạng 5G, trong bối cảnh nhiều trạm phát sóng của các nhà mạng trên khắp nước Anh đã trở thành mục tiêu đốt phá của người dân vào tuần trước.

Hành vi đốt phá này bắt nguồn từ các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội tại Anh như Facebook, Twitter, Nextdoor... cho rằng mạng 5G nguy hiểm cho sức khỏe của con người và thậm chí là nguyên do phát tán virus Covid-19 đang gây ra dịch bệnh trên toàn cầu.

Thuyết âm mưu khiến người dân Anh đốt phá trạm phát sóng 5G 1

Nhiều trạm phát sóng mạng 5G tại Anh bị đốt phá trong tuần qua

“Những tuyên bố này không chỉ vô căn cứ, chúng còn gây hại cho người dân và các doanh nghiệp dựa vào tính liên tục dịch vụ của chúng tôi”, tuyên bố chung cho biết. “Xin hãy giúp chúng tôi ngăn chặn điều này. Nếu bạn chứng kiến bất kỳ sự phá hoại này, xin hãy báo cáo nó. Nếu thấy các thông tin sai lệch, hãy loại bỏ nó”.

Bốn nhà mạng lớn của Anh cũng kêu gọi người dân ngừng phát tán các tin tức giả mạo cũng như không thực hiện các hành vi ngăn chặn, chống tối các nhân viên kỹ thuật lắp ráp hoặc bảo trì các trạm phát sóng mạng 5G trên cả nước.

Trước đó nhà mạng Vodafone UK cho biết 4 trạm phát sóng mạng 5G tại Anh đã bị đốt phá chỉ trong ngày thứ sáu tuần trước. Nhà mạng EE cho biết trạm phát sóng di động của mình ở thành phố Birmingham, dù không phát sóng mạng 5G, cũng đã bị đốt cháy.

Hạ tầng mạng di động được phân loại là cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng tại Anh và những cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm quan trọng khi nước Anh đang phải chiến đấu chống lại đại dịch do Covid-19 gây ra, trong đó hệ thống mạng viễn thông đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. Giám đốc điều hành Vodafone UK, Nick Jeffrey, đã gọi những cuộc tấn công nhằm vào các trạm phát sóng là vấn đề an ninh quốc gia và kêu gọi mọi người không tiếp tục chia sẻ các thông tin giả mạo và thuyết âm mưu về mạng 5G trên mạng xã hội.

Nguồn gốc của các tin tức giả mạo về mạng 5G bắt nguồn từ đâu?

Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự ảnh hưởng của mạng 5G với sức khỏe của con người cũng như liên kết giữa mạng 5G với virus Covid-19, nhưng những tin tức giả mạo và thuyết âm mưu này vẫn được lan truyền nhanh chóng và được nhiều người tin.

Đáng chú ý, nhiều người nổi tiếng cũng đã chia sẻ các thuyết âm mưu này trên mạng xã hội, càng góp phần đẩy nhanh tốc độ lan truyền của các tin tức giả mạo. Một trong số đó có thể kể đến nữ ca sĩ người Mỹ Keri Hilson, khi cô đã chia sẻ lên trang Twitter có 4,2 triệu người theo dõi của mình thông điệp cảnh báo về “mối nguy hiểm của mạng 5G”.

Thuyết âm mưu khiến người dân Anh đốt phá trạm phát sóng 5G 2

Keri Hilson chia sẻ những nội dung sai lệch và thuyết âm mưu về mạng 5G trên trang Twitter hơn 4,5 triệu người theo dõi của mình

“Mọi người đã cố gắng cảnh báo cho chúng ta về mạng 5G trong nhiều năm. Các kiến nghị, các tổ chức, nghiên cứu... về những ảnh hưởng của phóng xạ. 5G ra mắt tại Trung Quốc vào ngày 1/1/2019, con người ngã xuống chết chóc”, thông điệp của Hilson chia sẻ trên trang Twitter cá nhân và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Để tăng thêm tính thuyết phục, Hilson đã đăng tải ảnh chụp nhiều bài báo về mạng 5G, bao gồm một báo cáo được cho là của Bill Gates cảnh báo về đại dịch toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc.

Hilson sau đó tiếp tục chia sẻ thêm những bài viết để nhấn mạnh tầm nguy hiểm của mạng 5G đối với sức khỏe của con người.

“Để cho rõ ràng, tôi sẽ nói rằng có rất nhiều nghiên cứu và thí nghiệm cho thấy mức độ nguy hiểm của sóng bức xạ điện từ 5G có thể dẫn đến sự truyền nhiễm của virus”, Hilson chia sẻ thêm trên trang Twitter của mình.

Hilson cũng đã liên hệ về mức độ lây nhiễm của virus Covid-19 tại khu vực châu Phi, khi cho rằng chính vì châu Phi chưa phát triển và thử nghiệm mạng 5G giúp cho số ca nhiễm Covid-19 tại khu vực này thấp hơn các nơi khác.

“Bạn nghĩ tại sao virus không lây nhiễm tại châu Phi như những nơi khác? Vì đó không phải là khu vực của mạng 5G. Có rất ít trạm phát sóng ở đó, không như những quốc gia khác”, nữ ca sĩ chia sẻ với 4,5 triệu người theo dõi mình trên Twitter, nhưng dường như cô không nhắc đến việc nhiều quốc gia như Iran, Nhật Bản... những nơi chưa triển khai mạng 5G cũng đang có số ca nhiễm Covid-19 cao hàng đầu trên thế giới.

Sau khi chia sẻ những bình luận gây tranh cãi về thuyết âm mưu liên quan đến mạng 5G, Hilson đã xóa đi những nội dung này trên trang Twitter của mình, nhưng Hilson cho biết cô thực hiện điều này theo tư vấn của quản lý, thay vì cô thực hiện điều này vì đã nhận ra những tuyên bố của mình là sai lầm.

Thậm chí đài phát thanh Uckfield FM của Anh đã mời một nữ y tá tham gia một chương trình truyền thanh, mà trong chương trình này, nữ y tá khẳng định mạng 5G sẽ “hút hết không khí trong phổi của mọi người” và là nguyên do dẫn đến sự phát tán của virus Covid-19. Điều đáng nói là đoạn video ghi lại chương trình này sau đó đã được chia sẻ rầm rộ trên Facebook cũng như Twitter, khiến nhiều người lo lắng.

Một nhóm Facebook với lượng người tham gia lớn tại Anh cũng đã chia sẻ và phát tán nhiều tin tức giả mạo về mối nguy hiểm của mạng 5G với sức khỏe của người dùng. Nhóm Facebook này đã bị Facebook xóa bỏ sau khi nhận được nhiều báo cáo, nhưng trước đó, các tin tức giả mạo do nhóm này chia sẻ đã bị phát tán rất nhiều trong cộng đồng mạng tại Anh.

Bộ Kỹ thuật số, văn hoá, truyền thông và thể thao (DCMS) của chính phủ Anh đã phải lên tiếng bác bỏ các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu gắn dịch bệnh do virus corona gây ra với mạng 5G, đồng thời kêu gọi các mạng xã hội phải kiểm soát hơn nữa sự lan truyền của các thông tin sai lệch.

Chính phủ Anh cũng đang tích cực làm việc với các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Twitter... để thảo luận về việc kiểm soát các tin tức giả mạo liên quan đến mạng 5G. Youtube sẽ xóa bỏ những video với nội dung sai lệch về mạng 5G cũng như các video quay cảnh trạm phát sóng bị đốt phá, trong khi đó Facebook và Twitter cũng cho biết đang tích cực lọc và loại bỏ các bài viết có thông tin giả mạo, thuyết âm mưu sai lệch về mạng 5G.

T.Thủy
Tổng hợp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bình Luận Facebook
Showbiz
Tin thế giới
Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 329
  •   Máy chủ tìm kiếm 45
  •   Khách viếng thăm 284
 
  •   Hôm nay 37,186
  •   Tháng hiện tại 1,098,794
  •   Tổng lượt truy cập 127,490,998